Tuần vừa rồi, mafia lại trở thành đề tài lớn trên các phương tiện truyền thông nước Ý, khi Tổng thống đương nhiệm Napolitano phải trả lời các công tố viên về sự dính líu của Chính phủ nước này với mafia. Giữa họ từng có những cuộc thương lượng bí mật từ đầu thập niên 1990.
Theo thống kê, 4 băng mafia xuất xứ miền Nam Italy (Cosa Nostra, ‘Ndrangheta, Camorra, Santa Corona Unita) có “thu nhập” mỗi năm 140 tỷ euro, xấp xỉ 10% GDP của nước Ý. Ngoài những hoạt động “truyền thống” như buôn người, buôn ma túy, vũ khí, cho vay nặng lãi, chúng “đầu tư” rửa tiền vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế, kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, thâm nhập vào các đội bóng, kiểm soát các đường dây cá độ và mua chuộc chính quyền địa phương (số lượng chính quyền địa phương ở Italy bị giải tán vì thâm nhập của mafia ngày càng nhiều).
Trong khi “bố già” Riina vẫn lên tiếng đe dọa từ trong tù, thì những người chống lại chúng vẫn sống trong nguy hiểm như thanh tra Cattani trong phim Bạch tuộc ngày xưa. Xe của nhiều thẩm phán bị đốt cháy. Bản thân họ nhận được những viên đạn trong phong bì. Một số Viện Công tố ở miền Nam bị khủng bố. Mới đây, một công tố viên ở Ostia, cách Rome 60 km, bị dọa giết, bằng một thông điệp lạnh lùng: “28/11 này sẽ là ngày ban phước cho mày”. Nước Ý rơi nước mắt, khi ông Liguori, người luôn tố cáo và chống lại mafia qua đời hồi đầu năm nay, sau cuộc chiến dài mà ông khẳng định là đơn độc. Trong nhiều năm, mafia đã đốt và chôn rác trái phép ở một vùng rộng lớn tại miền Nam Italy, gây ô nhiễm nặng, khiến tỷ lệ người chết vì ung thư ở đây cao nhất đất nước.
Kể từ khi xuất bản cuốn Gomorra, đưa ra ánh sáng băng Casalesi ở miền Nam Italy, nhà báo Saviano đã sống trong sự bảo vệ của cảnh sát 24/24 giờ. Người Ý bảo, với cuốn sách ấy, Saviano kẹt giữa hai làn đạn. Mafia căm thù và đã dọa ám sát anh. Cảnh sát và giới chức địa phương cũng không ưa anh, vì anh đã nêu tên một băng đảng tàn bạo ở nơi mà họ quản lý, bất lực và theo một nghĩa nào đó, đồng lõa với chúng. Nhưng những người như Saviano vẫn chiến đấu đến cùng, trong một cuộc chiến khó kết thúc.
Ông Pasquale, một cảnh sát về hưu có lần nói với tôi: “Ở những nơi nào mà chính quyền hoạt động kém hoặc bị tha hóa, thì tội ác sẽ nảy nở để thay cho công lý. Chúng tôi căm thù mafia, nhưng chúng tôi phải chấp nhận sống với chúng và các hình thức mafia hóa nền chính trị như một phần của cuộc sống”. Chấp nhận không có nghĩa là đầu hàng. Ám ảnh không có nghĩa là sợ hãi, vì nước Ý đã quen sống chung với mafia, trong tiềm thức, trong lối sống, trong đời thực. Mafia tồn tại quanh họ, có khi giữa họ mà không ai biết. Chúng tồn tại mà như vô hình. Nhưng đối với một số người, mafia ẩn náu trong máu họ, như một bản năng tự nhiên...
Hẹn các anh chị trong những thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags