(Thethaovanhoa.vn) - Người nước ngoài khi sang Việt Nam thường coi những ai lái được xe hơi ở Hà Nội hay Sài Gòn là siêu đẳng. Họ ngồi ghế trước, cạnh lái xe thường có phản xạ là ôm đầu và mắt giãn hết cỡ hoặc nhắm tịt lại. Hàng loạt loại phương tiện khác nhau như muốn đâm trực diện còn phương tiện họ đang ngồi thì phải tới giây cuối cùng mới xuyên thủng được đám đông trước mặt.
Người Việt Nam ra nước ngoài lại thấy kinh ngạc một điều là tại sao có những con đường bé xíu, làn xe rất hẹp và khá khuất tầm nhìn nhưng họ vẫn chạy rất ổn định với vận tốc cao mà nhiều khi không cần rà thắng.Hoặc khi vượt qua ngã tư nào đó thì họ cứ thế phóng vèo vèo mà không cần phải quan sát hai hướng của đường cắt ngang.
Với người đi bộ cũng có sự trái ngược. Người nước ngoài rất phục người Việt Nam sang đường mà cứ như nhảy lên nắp capô hay trèo vào giỏ xe gắn máy của các phương tiện đang lưu thông như mắc cửi.
Người Việt Nam lại thất quá ngạc nhiên khi ra nước ngoài thấy những người sang đường mà mắt vẫn không rời quyển sách.
Lý giải cho những điều ngạc nhiên và thán phục trên là ở nước ngoài người điều khiển phương tiện giao thông chạy theo luật, giữ xe theo làn và cứ thế nhấn ga miễn sao đừng vượt quá tốc độ cho phép. Nguyên tắc là cái gì cứ theo luật là chạy rất nhanh. Người đi bộ cũng đi đúng phần đường và khi ấy luật quy định rằng họ là “phương tiện” được ưu tiên tối đa.
Còn ở Việt Nam là kinh nghiệm, là thói quen và cả thủ thuật lấy to đè bé, lấy nặng đè nhẹ và ai nhanh hơn thì chiếm thế tiện lợi.
Việt Nam bắt đầu cấp bằng lái xe quốc tế được ít ngày, nhưng nếu coi đó là điều kiện cần và đủ để tất cả chúng ta thoải mái bẻ vô lăng khám phá thế giới thì chưa. Cấp bằng hay buộc mọi người tuân thủ luật - vì về cơ bản luật là tương đối giống nhau - thì cái nào quan trọng hay là cả hai?
Chúc quý vị cuối tuần vui vẻ!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags