(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Tết Nguyên đán đã cận kề, người dân chúng tôi đang tất bật lo toan mua sắm đồ dùng cho Tết. Năm nay, bên cạnh việc lo phòng chống dịch bệnh thì lại có thêm nỗi lo khác, đó là càng gần Tết càng có nhiều trường hợp vào viện do tai nạn pháo nổ, pháo lậu.
Còn nhớ, cách đây hơn 1 tháng, 1 vụ nổ xe chở pháo lậu ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) và Densavan (Savanakhet, Lào) đã khiến cho 2 người tử vong và 4 người bị thương. 1 tuần trước, tại Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận thêm 2 trường hợp chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ.
Trong 2 bệnh nhân này có 1 người đàn ông 41 tuổi, ở Hải Phòng. Khi đang "chế tạo" pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến hàm mặt của ông xây xát, tay phải giập nát một số ngón, vết thương xây xát bìu và đùi 2 bên.
Một trường hợp nữa là nam sinh 15 tuổi, ở Hà Nội. Trong quá trình cùng bạn tự chế pháo đã để xảy ra phát nổ. Người bạn may mắn không sao, còn em bị chấn thương gãy nhiều xương bàn tay trái, chấn thương mắt…
Sophia thân mến!
Vài chục năm trước đây, đốt pháo được xem là tập tục lâu đời của người dân Việt Nam. Đúng là nghe tiếng pháo nổ rất vui tai, ngửi mùi khói thuốc pháo phảng phất trong đêm Giao thừa rất thơm, rất ấm, nhưng pháo nổ cũng rất hay gây ra sự cố, để lại những thiệt hại, mất mát vô cùng lớn.
Đốt pháo trong ngày Tết, ngày cưới mà chẳng may pháo không nổ thì bị coi là “điềm xui”, nhưng tai họa “banh xác pháo” trong những ngày vui đó thì đúng là “họa vô đơn chí” …
Từ những hậu quả như thế, vào đầu những năm 1990, việc cấm đốt pháo đã được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, vì vẫn còn không ít người dân vẫn thích đốt pháo đón năm mới vì “tiếng pháo nổ rất vui tai” cho nên nhiều năm trở lại đây, cứ đến độ gần Tết, pháo lậu lại được tuồn vào thị trường nội địa trên các chuyến xe, gây ra những vụ cháy nổ kinh hoàng.
Sophia thân mến!
Kể từ 11/1/2021, Nghị định 137/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong một số sự kiện như cưới hỏi, sinh nhật, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật…
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của “xung kích thích” cơ, nhiệt, hóa hoặc điện, sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, nhưng không gây ra tiếng nổ.
Cần phải hiểu, loại pháo hoa mà người dân được sử dụng từ 11/1/2021 là loại chỉ phát ra tiếng xì xì, không có thuốc nổ, chứ không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ. Cần phân biệt giữa “pháo hoa” và “pháo hoa nổ”.
Để sử dụng pháo hoa đúng luật, người dân lưu ý chỉ mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh pháo hoa. Khi sử dụng phải bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường…
- Hà Nội xin ý kiến Chính phủ chủ trương bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2021
- Đắk Lắk: Phát hiện, thu gom 180 quả đạn pháo trong rẫy cà phê
Và để cho việc sử dụng pháo đúng với ý nghĩa, rất cần các chế tài mạnh hơn cho các đối tượng có những hành vi buôn lậu, cố tình vi phạm quy định về tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ trong những dịp Tết đến, Xuân về… Nếu không thì “tiếng pháo nổ vui tai” chưa thấy đâu mà tai họa “banh xác pháo” đã ập đến.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
XUÂN AN
Tags