(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
- Đồ họa: Những điều thú vị về 'nàng' Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới
- VIDEO: Robot Sophia trả lời ngon lành các câu hỏi khó của phóng viên Việt Nam
- Hôm nay, Sophia - 'nàng' công dân robot đầu tiên trên thế giới đến Việt Nam
Khi tôi viết lá thư này gửi cô là lúc năm học mới đã bắt đầu hơn 3 tuần. Nhưng câu chuyện về những cuốn sách giáo khoa (SGK) vốn yên vị trong ngăn cặp các em học sinh lại nóng ran trong dư luận và diễn đàn mạng xã hội.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sau lễ khai giảng 5 ngày, nhiều đại biểu bức xúc với việc lãng phí SGK vì sử dụng một lần.
Trên báo SGGP, Ủy ban thông tin số lượng SGK phổ thông đã in, phát hành giai đoạn 2012 - 2017 khoảng trên 100 triệu bản mỗi năm và chiếm 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách mô hình trường học mới và tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.
Ủy ban nhận định, việc Bộ Giáo dục Đào tạo vừa tổ chức biên soạn vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGk đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán sách.
Bộ Giáo dục Đào tạo thì phân trần, từ năm 2002 đến nay, việc in SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm vẫn lỗ khoảng 40 tỷ đồng trong in ấn, phát hành SGK. Giá SGK không đổi từ năm 2011 đến nay. Việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Câu chuyện học sinh viết thẳng vào SGK gây lãng phí là chất xúc tác thổi bùng cuộc tranh luận về sự độc quyền kéo dài nhiều năm của việc in sách. Nhưng theo tôi, nó cũng là “chất dẫn” thúc đẩy sự thay đổi một cách nhanh chóng hơn. Như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khẳng định trên báo chí, một chương trình, một bộ SGK như hiện tại là ngược với thế giới. Xu thế của thế giới là một chương trình, nhiều bộ sách, Việt Nam từng có nhiều bộ sách. Tất nhiên, một chương trình nhiều SGK cũng có phức tạp nhưng không phải vì thế mà không làm.
Sophia ơi!
Lúc này, nhìn sang nhiều quốc gia trên thế giới mới thấy chạnh lòng, giáo dục bây giờ thậm chí còn không phải là độc quyền của con người, mà chia sẻ với cả những người máy như cô Sophia. Có quốc gia, robot trở thành giáo viên tại hơn 60 trường mầm non.
Các em học sinh mầm non vô cùng thích thú trước sự xuất hiện của những cô robot dễ thương trong các tiết học tương tác. Robot mang trí tuệ nhân tạo của mình để có thể kể chuyện và hướng dẫn cách giải quyết vấn đề cho các em học sinh thông qua việc đặt ra những câu hỏi logic. Ví dụ như tình huống một hoàng tử cần tìm đường đi qua sa mạc. Các em học sinh phải cùng nhau xếp những tấm chiếu hình vuông dẫn đường cho hoàng tử đi. Mỗi khi các em đưa ra câu trả lời đúng, đôi mắt robot sẽ biến thành hình trái tim.
Dư luận của họ cũng có chút tranh luận, bàn tán nho nhỏ. Nhưng có lẽ, sự tranh luận về chuyện độc quyền giáo viên này vui vẻ hơn chuyện độc quyền in sách rất nhiều.
Hi vọng ngày nào đó tôi có thể gặp cô ở lớp học trên đất nước tôi, với cuộc tranh luận về cách giảng bài từ Trí tuệ nhân tạo (AI) chứa Dữ liệu lớn (Big Data) bằng hàng trăm bộ sách của cô.
Hẹn gặp lại thư sau!
Gia Nguyễn
Tags