(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Thời gian qua, do dịch Covid-19, nên học sinh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước chúng tôi, thay vì đến trường, đã phải học tại nhà dưới hình thức trực tuyến hay còn gọi là học online.
Mặc dù việc này đã được thực hiện “từ năm Covid thứ nhất”, thế nhưng năm nay câu chuyện về học online vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhà trường, gia đình.... xoay quanh vấn đề "được"và "mất" khi dạy và học online cho học sinh.
Sophia thân mến!
Khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn, cho dù đã có những lô vaccine được nhập về Việt Nam, hay cho dù sang tuần mới, nhiều tỉnh thành sẽ cho học sinh đi học trở lại, nhưng chưa một ai có thể khẳng định được chắc chắn khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt.
- Học sinh TP HCM trở lại trường từ đầu tháng 3
- Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh trở lại trường
Hơn thế, việc khai thác thế mạnh của hình thức làm việc và học tập trực tuyến vẫn hết sức cần thiết, nhất là về lâu dài, khi xã hội chuyển mạnh sang thời đại 4.0 và mỗi cá nhân đều có cơ hội tương tác với toàn cầu.
Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới khi áp dụng học online cũng đã chỉ ra những mặt tích cực cũng như những điểm hạn chế của phương pháp này.
Tôi nhớ vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khi mà Internet vẫn còn chưa phát triển như hiện nay, chúng tôi lúc ấy đang học đại học và có làm một bài tiểu luận về chủ đề: “Làm việc tại nhà - Được và mất”. Tôi nhớ hầu hết mọi người làm bài đều tìm ra những điểm hay, chỉ ra những điều bất cập khi áp dụng hình thức làm việc phân tán tại nhà, nó cũng gần giống như việc dạy và học online hiện nay đang áp dụng cho học sinh. Điểm chính tôi nhận thấy nếu muốn áp dụng hình thức này có hiệu quả thì công tác chuẩn bị và tính tự giác của mỗi cá nhân phải được chú ý.
Cần nhắc lại một thông tin để Sophia biết. Đó là trong những năm tháng Việt Nam chúng tôi trải qua các cuộc chiến tranh, việc học tập của các cấp học cũng đều gặp khó khăn. Khi ấy, giờ học tại nhiều nơi cũng không giống nhau và phụ thuộc vào tình hình chiến sự, địa điểm lớp học cũng phải chọn lựa đảm bảo an toàn. Giáo viên và học sinh nhiều khi vừa học vừa phải để ý đến tiếng kẻng báo động, tìm hầm trú ẩn. Học sinh đi học còn phải đội mũ rơm, chuẩn bị đèn chai có che chắn để ánh sáng vừa đủ… Ấy vậy mà khi ấy vẫn có nhiều học sinh giỏi, các cuộc thi vẫn diễn ra bình thường. Rất nhiều người được sinh ra trong thời kỳ ấy học hành vẫn thành công, làm nhiều công việc quan trọng trong xã hội…
Như vậy, mỗi một phương pháp học tập đều có cái hay, đều có điểm hạn chế. Vấn đề là chúng ta cần phải làm tốt công tác chuẩn bị cả từ phía gia đình và nhà trường.
Nếu chúng ta tự xác định với nhau rằng làm việc, giao tiếp trực tuyến không chỉ là biện pháp đối phó trong đại dịch Covid-19 mà còn là hình thức làm việc của tương lai trong thời đại 4.0, thì chúng ta sẽ tìm cách thích ứng, để phát huy thế mạnh, khắc phục các nhược điểm của nó.
Và trên hết, không phải chỉ các em học sinh mà ngay từ người lớn cũng phải trang bị thêm cho mình tính tự giác cũng như sự linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Mục đích là không để rơi vào trạng thái bị động khi xảy ra các tình huống làm xáo trộn đến lịch trình học tập và làm việc. Đó là điều tôi cho là cần thiết hơn cả.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Quốc Khánh
Tags