Thư gửi robot Citizen: Mời cô đến thăm hồ Tây

Thứ Sáu, 21/12/2018 07:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Hôm nay, Sophia - 'nàng' công dân robot đầu tiên trên thế giới đến Việt Nam

Hôm nay, Sophia - 'nàng' công dân robot đầu tiên trên thế giới đến Việt Nam

Sophia, robot công dân đầu tiên trên thế giới sẽ tới Việt Nam vào hôm nay (13/7) để tham gia trao đổi những vấn đề về cuộc Cách mạng 4.0 tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương chủ trì.

Tôi nhớ mãi cái lần đầu tiên, cô đến Hà Nội nhân dịp Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hồi giữa năm. Là robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới, cô đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tôi nhớ, trong cuộc giao lưu với các khách mời khi đến Hà Nội cô đã nở nụ cười rất tươi và tự giới thiệu về mình bằng tiếng Anh: "Tôi được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững. Những robot như tôi sẽ giúp đạt được thành tựu này nhanh hơn".

Không biết trong chuyến viếng thăm Hà Nội dạo đó, cô có kịp ghé hồ Tây, một cảnh quan nổi tiếng của thủ đô chúng tôi hay không. Nếu cô trở lại, tôi rất muốn cô đến đó và nói với chúng tôi một lần nữa về sự “phát triển bền vững”.

Chú thích ảnh
Hồ Tây. Ảnh: Internet

Sophia ạ, sự thể là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội vừa cho biết rằng hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt nguồn nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Những cơn mưa đang là nguồn cung cấp nước tự nhiên duy nhất vào hồ. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi và thẩm thấu mạnh khiến nước trong hồ cạn kiệt.

Môi trường nước hồ Tây cũng đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. Hồ Tây có thể biến thành hồ chết nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và nếu mực nước hồ tiếp tục giảm.

****

Chắc Sophia đã biết, Hà Nội chúng tôi có một đặc trưng mà bất cứ ai từng sống cũng hoài nhớ là những mặt hồ đan xen trong phố. Trước đây, hầu như mỗi người dân Thủ đô đều sống bên cạnh một cái hồ hay vài bước ra ngõ là gặp hồ, đúng như nghĩa cái tên Hà Nội (vùng đất phía trong sông) rất thân thương.

Hồ Gươm linh thiêng với Tháp rùa trầm mặc, hồ Thuyền Quang ngạt ngào hoa sữa, và hồ Tây lãng đãng mênh mông... Và từ ấy Hà Nội có một nền văn hóa hồ rất đẹp. Mặt hồ không chỉ lặng lẽ thanh lọc không khí mà nó còn âm thầm len lỏi vào từng tâm hồn con người vẫn hằng tiệm cận với nó để giữ lại phần nào sự trầm mặc, sâu lắng rất riêng của người Hà Nội.

Có thể nào quên những cô gái thanh tân hóng mát hay đọc sách bên hồ Hà Nội. Có thể nào quên những lần dạo bước trên đường Thanh Niên, con đường của tình yêu và tuổi trẻ. Vọng đến từ ký ức những câu thơ phú của Nguyễn Du, Nguyễn Huy Lượng… bên bờ hồ Tây mờ ảo khói sương.

Buồn thay, mấy chục năm qua, khi thủ đô phát triển vượt bậc, nhiều mặt hồ đã bị san lấp, nhiều hồ bị bóp nghẹt dần. Với hồ Tây là nỗi lo bị lấn chiếm không gian, mặt nước, là những nhà hàng, thuyền nổi, những cống nước đen ngòm và những đống xú uế mà chính quyền nhiều lần phải ra quân “dẹp loạn”. Việc đánh thức vẻ đẹp và khai thác tiềm năng của hồ nước ngọt khổng lồ ngay giữa trung tâm thành phố này vẫn còn là một câu chuyện dài.

Hôm nay, Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ“chết dần, chết mòn” ngay trước mắt người Hà Nội. Phải làm gì đây hay chỉ biết kêu la và đau xót?

Tôi mong Hà Nội sẽ làm ngay, làm nhanh, để một ngày nào đó, chúng tôi có thể thoải mái đưa cô và du khách nước ngoài đi ăn bánh tôm, dạo đường Thanh Niên, trải nghiệm phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Rồi thăm chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, hay chèo thuyền ngoạn cảnh hồ mà không bao giờ lo mùi hôi tanh cá chết hoặc bao cao su nổi trắng mặt hồ như trước đây…

Thảo Nhi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›