(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Giữa dòng thác thông tin về dịch Covid-19 trong tuần này, dư luận bỗng dồn sự chú ý sang một sự kiện tưởng như bình thường: Các nghệ sĩ là viên chức Nhà nước đang được đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt.
Nói bình thường bởi trong thời gian này, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chúng tôi cũng đang thấy những lời đề nghị hỗ trợ- khi dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hàng loạt ngành nghề.
Nhưng thật ra, cũng dễ hiểu về sự quan tâm của dư luận, khi câu chuyện ở đây liên quan tới 2 chữ “nghệ sĩ” vốn có nội hàm khá rộng.
Sophia thân mến!
Ở đây, ta cần đọc lại đề xuất vừa được gửi lên các cơ quan chức năng. Theo đó, Bộ VH,TT&DL đề nghị hỗ trợ cho khoảng 2.000 viên chức là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại gần 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng 4 (mức thấp nhất theo quy định). Theo đề xuất, mỗi tháng họ được nhận số tiền 1,8 triệu đồng cho mỗi người và được hỗ trợ 3 tháng.
Như lời lãnh đạo một số đơn vị biểu diễn, lượng viên chức hạng 4 tại các đoàn nghệ thuật chủ yếu là những trường hợp chưa có thâm niên, thiếu kinh nghiệm và có mức lương khởi điểm thấp nhất tại mỗi đơn vị. Nôm na, trong mùa dịch, họ là những người dễ gặp khó khăn nhất so với các gương mặt hạng 1, 2, 3 của từng đơn vị - và tất nhiên, lại càng không thể so sánh với những ngôi sao vốn chiếm một tỷ lệ rất ít trên mặt bằng chung của ngành nghệ thuật.
Và, cũng cần nói thêm, gần 100 đơn vị nghệ thuật trên cả nước cũng thuộc rất nhiều bộ môn biểu diễn khác nhau, trong đó có không ít bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo, hay những bộ môn kén người xem như nhạc giao hưởng. Bên cạnh việc phục vụ khán giả, những nghệ sĩ thuộc các bộ môn này còn có vai trò duy trì, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, hay gìn giữ những môn nghệ thuật hàn lâm dù ít người xem nhưng lại tạo ra chiều sâu cho bộ mặt văn hóa của mỗi quốc gia.
Bỏ bớt những định kiến và có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn, chúng ta sẽ thấy điểm tích cực từ đề xuất của phía quản lý văn hóa. Đó là sự nhân văn khi hướng tới cái đích hỗ trợ những nghệ sĩ đang gặp khó khăn thực sựvà xa hơn, là sự khuyến khích, ghi nhận vai trò của văn hóa nghệ thuật trong sự tương quan với những lĩnh vực quan trọng khác.
Sophia thân mến!
Nếu phải góp ý để đề xuất ấy hoàn thiện và thuyết phục hơn, tôi sẽ chỉ nhìn vào tính thực tế trong câu chuyện. Chúng ta đều hiểu, số tiền hỗ trợ 3x1,8 triệu đồng cho mỗi nghệ sĩ gặp khó khăn cũng là khá hạn chế so với cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình ở thời điểm bệnh dịch kéo dài. Và từ một góc độ khác, tôi tin rằng, sự tự trọng của các nghệ sĩ cũng khiến nhiều người trong số họ muốn nhận được thành quả từ lao động nghệ thuật của mình, thay cho khoản... tiền mặt hỗ trợ ấy.
Liệu có hợp lý hơn, nếu thay vì chuyển cho các cá nhân, số tiền hỗ trợ này được dùng để hỗ trợ các đoàn nghệ thuật tổ chức một số đêm diễn khi dịch bệnh bị đẩy lùi? Thực tế, vào năm ngoái, 12 nhà hát trực thuộc Bộ VH,TT&DL cũng đã được hỗ trợ theo hình thức này. Và khi ấy, chúng ta cũng đã có những ngày hội nghệ thuật thật sự, khi khán giả nô nức kéo tới các rạp diễn sau một “khoảng trắng” kéo dài về thưởng thức văn hóa.
Sẽ rất tích cực, nếu trong năm nay, gần 100 đơn vị nghệ thuật trên cả nước đều được hỗ trợ theo cách ấy. Và rộng hơn, cũng phải kể tới những ý tưởng về việc “đặt hàng” để ghi hình và phát sóng (hoặc chia sẻ qua mạng) một số chương trình, tiết mục của các đoàn nghệ thuật như một số chuyên gia từng đề xuất. Bởi theo cách làm này, các nghệ sĩ vẫn có thêm thu nhập qua sáng tạo - trong khi công chúng lại có thêm cơ hội để thưởng thức nghệ thuật sau một mùa dịch bệnh đáng buồn.
Tất nhiên, đó sẽ là một con đường dài và cần tới sự chia sẻ của toàn xã hội - mà những hỗ trợ từ Nhà nước chỉ là “viên gạch” đầu tiên.
Tạm biệt Sophia và hẹn gặp lại thư sau!
Trí Uẩn
Tags