(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi Robot Citizen tại đây"
Câu chuyện làm thế nào để sử dụng hiệu quả thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động là một chủ đề không mới, thậm chí rất nhiều lần được đưa ra để bàn luận tại Việt Nam chúng tôi.
Sở dĩ tôi nhắc lại với cô chuyện này là bởi vì mới đây, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội vừa công bố dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến. Trong dự thảo, đáng chú ý nhất là đề xuất quy định thống nhất giờ làm việc hàng ngày của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính trên cả nước từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.
Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau, bởi có sự rút ngắn thời gian nghỉ trưa so với mức trung bình hiện tại.
Có ý kiến cho rằng, trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước đều có thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy, đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại.
Thực tế ở Việt Nam, hiện nay thời gian nghỉ trưa từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng...
Tôi chưa có may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới cho nên cũng chưa có trải nghiệm thực tế. Xin kể cho cô một vài trải nghiệm về việc sử dụng thời gian nghỉ trưa.
Ba năm cuộc sống trong quân ngũ, thời gian làm việc của chúng tôi đều như nhau cả. Sáng báo thức 5h, sau đó ăn sáng, đi làm lúc 7h, trưa về ăn cơm rồi nghỉ 60 phút, sau đó tiếp tục công việc buổi chiều. Vì công việc học tập huấn luyện vất vả cho nên đối với chúng tôi, thời gian 60 phút nghỉ trưa quả thật là quý báu. Một giấc ngủ trong thời gian này giúp chúng tôi hồi phục sức khỏe, buổi chiều tiếp tục công việc một cách rất hứng khởi.
Thời kỳ làm việc với người Nhật, thời gian 60 phút nghỉ trưa bao gồm cả ăn trưa, sau đó mới ngủ nghỉ. Các sếp người Nhật luôn khuyến khích người lao động tranh thủ ngủ trong 60 phút giờ nghỉ để tỉnh táo trong công việc buổi chiều. Họ tôn trọng cái thời gian quý báu này và luôn tạo điều kiện (làm phòng nghỉ, khu vực nghỉ) cho người lao động. Suy nghĩ của họ rất đơn giản là nhân viên có tỉnh táo thì công việc mới hiệu quả.
Sophia thân mến!
Thời gian nghỉ trưa là rất cần thiết đối với người lao động nói chung, phù hợp với quy luật tâm sinh lý con người. Thế nhưng nếu nói rằng nghỉ trưa dài hay ngắn ảnh hưởng đến năng suất lao động thì tôi cho rằng chưa phải ảnh hưởng quyết định.
Với môi trường trong quân đội và các công ty của Nhật tôi đã trải qua thì năng suất, hiệu quả công việc phụ thuộc rất nhiều vào tính kỷ luật và ý thức của người lao động. Có những vùng miền thời tiết khắc nghiệt, công việc nhiều khi phải tranh thủ, không có sự lựa chọn nhiều về thời gian cho nên làm được phải làm ngay. Thậm chí làm thông cả giờ nghỉ để cho hoàn thành, nếu không sẽ chậm tiến độ.
Vấn đề chính là thái độ của người lao động khi làm công việc đó, ý thức kỷ luật tốt sẽ kéo theo được hiệu quả công việc.Có phải vậy không Sophia?
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh
Tags