Tin vào lòng tốt của người Việt…

Thứ Hai, 03/06/2013 07:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi giới trẻ suốt ngày kêu mất niềm tin, than về sự thiếu thốn lòng tốt và thừa thãi vô cảm, thì anh chàng Việt kiều Tran Hung John đi xuyên Việt với mấy thứ “hành lý”: niềm tin của mình, lòng tốt và sự quan tâm của người khác.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã viết hẳn một tập truyện ngắn Thành phố đi vắng để bày tỏ nỗi buồn của một người cầm bút khi sống trong một cộng đồng mà tình người và lòng tốt “đi vắng” mất. “Tại sao người Việt bây giờ ác thế?” – chị từng chia sẻ băn khoăn này trong một tọa đàm hồi tháng 4, nhân Ngày Sách và bản quyền thế giới.

Bây giờ người ta ra đường với đủ nỗi sợ: bị lừa, bị cướp giật (hình thức rất đa dạng)... Tai ương đến từ khắp nơi đến nỗi người Việt không dám tin người Việt nữa và khó có thể trách họ chuyện này.

Vậy mà Tran Hung John, 24 tuổi, có cả bố và mẹ là người Việt nhưng sinh ra ở Mỹ, tác giả cuốn sách John đi tìm Hùng mới ra mắt, quyết định làm một hành trình đi bộ (vẫn xin đi nhờ xe) xuyên Việt trong 80 ngày hồi năm 2012, với một nguyên tắc: Không mang theo tiền mặt, xin phụ việc cho các nhà dân trên đường để được ăn và nghỉ, thậm chí đi gặt lúa ở các vùng nông thôn.


Trần Hùng John ký tặng sách cho bạn đọc TP.HCM và tiếp tục giao lưu với bạn đọc Hà Nội lúc 9h hôm nay 2/6 tại 338 phố Xã Đàn, Q. Đống Đa

Câu chuyện này rất dễ gợi lên nỗi ngờ vực: Hoặc anh chàng này ba hoa để được lên báo, hoặc anh quá ngây thơ và chuyến đi này sẽ dạy cho anh một bài học, thời buổi nào rồi mà còn tin vào lòng tốt của người đời? Đại loại thế.

Khi biết về cuốn sách, tôi phỏng vấn Tran Hung John một câu cũ rích: “Ở Việt Nam, thỉnh thoảng lại rộ lên tranh cãi về lòng tử tế và thói vô cảm, một thứ có vẻ như đang ngày càng ít đi và thứ kia thì ngược lại. Anh hình như không nghĩ thế?”.

Tác giả sinh năm 1989 “phản pháo” ngay: “Tôi nghĩ ý kiến của bạn giống với phần lớn các bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm, những người nhìn nhận thế giới chỉ theo một chiều. Nếu có nhiều trải nghiệm hơn, bạn sẽ hiểu rằng thế giới không chỉ có hai màu đen và trắng. Vì mọi người luôn đề cập đến những điều tiêu cực, những điều tích cực không có cơ hội được thể hiện”.

Trong việc hình thành nên cách nghĩ một chiều và tiêu cực đó, báo chí có dự phần rõ ràng. Một phần bộ mặt xã hội do báo chí mô tả và báo chí thì chuộng tiêu cực. Nhưng, cái “bộ mặt xã hội” là bộ mặt của các đô thị lớn thì đúng hơn. Người ta đem những gì xảy ra ở các đô thị lớn gán cho cả nước. Trước đây, những gì Tran Hung John biết về Việt Nam chủ yếu đến từ bà và mẹ của anh, còn bà và mẹ anh biết về Việt Nam nhờ quá khứ và những gì họ đọc trên báo ngày nay. Và đó là một hình ảnh không đẹp lắm.

Chuyến đi 80 ngày của Tan Hung John, chủ yếu đi qua các vùng quê nghèo, là để tìm kiếm dẫn chứng để phản biện. Một phép thử mạo hiểm về lòng tốt của con người đối với anh và cả những người trên đường. Người Việt có vượt qua được thử thách đó để củng cố niềm tin và lòng yêu nước của một Việt kiều trẻ tuổi?

Trong sách, Tran Hung John kể những chuyện không may: Bị nghi ngờ, không được chào đón và đuổi khỏi nhà, bị lừa uống thuốc mê, bị một người đồng tính quấy rối, hơn cả là những lời phũ phàng mà vài người lớn từng trải “ném” vào mặt anh, coi anh là một kẻ mơ mộng viển vông.

Nhưng đúng là lòng tốt vẫn ở đó. Chẳng hạn, Tran Hung John bảo, người ta thường nói xấu về Thanh Hóa, nhưng một người em tên Thịnh ở Thanh Hóa lại là cậu bé “ấm áp, tốt bụng và khiêm tốn nhất” mà anh từng gặp. Thời nay, người ta dễ dàng nghe theo lời đồn mà bỏ quên cảm nhận của chính mình. “Không nhiều người Việt Nam dám vượt ra khỏi cái giếng giam họ trong làng, trong tỉnh, trong quận, trong thành phố nơi họ sinh ra và lớn lên để đi và thực sự trải nghiệm Việt Nam, không phải như một khách du lịch mà như một người khám phá” – Tran Hung John viết.

Chuyến đi cũng là hành trình “Việt hóa” chính mình. Tran Hung John đã tìm thấy Việt Nam trong mình, một Việt Nam đẹp hơn người ta vẫn nghĩ.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›