Từ 'nối điêu' trong 'Truyện Kiều'

Thứ Tư, 02/12/2020 07:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Hay hèn lẽ cũng nối điêu” là một câu thơ trong lời nói khá dài của Thúy Kiều đối đáp với Thúc Sinh (trong Truyện Kiều). Tình huống dẫn tới lời thoại đó là khi Thuý Kiều còn trong thân phận gái lầu xanh, dưới trướng của Tú Bà, thì “Khách du bỗng có một người/ Kỳ Tâm học Thúc cũng nòi thư hương”. Đó chính là chàng Thúc Sinh “quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.

Chữ và nghĩa: Từ 'Hiệp sĩ bàn tròn' đến 'Hội nghị bàn tròn'

Chữ và nghĩa: Từ 'Hiệp sĩ bàn tròn' đến 'Hội nghị bàn tròn'

“Bàn tròn” tất nhiên là "bàn phải có hình tròn". Mà hình tròn là "phần mặt phẳng giới hạn bởi một đường tròn". Còn đường tròn là "tập hợp tất cả các điểm trong mặt phẳng cách đều một điểm cố định [gọi là tâm] một khoảng không đổi [gọi là bán kính]" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Anh chàng lãng tử mộng mơ này sau khi mục sở thị cảnh nàng Kiều tắm “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” đã tức cảnh sinh tình, “Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường”. Cảm động trước cử chỉ ấy, nàng Kiều đáp lại:

“Nàng rằng: Vâng biết ý chàng

Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu

Hay hèn lẽ cũng nối điêu

Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang

Lòng còn gửi áng mây vàng

Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay”

 

Chú thích ảnh
“Hay hèn lẽ cũng nối điêu” là một câu thơ trong lời nói khá dài
của Thúy Kiều đối đáp với Thúc Sinh

Kiều muốn đáp lễ, họa thơ, nhưng tình cảnh và tâm trạng hiện tại, nàng chưa thế "nối điêu" được. Đọc đoạn thơ, mọi người cũng sẽ hiểu. Tuy nhiên, "nối điêu" là gì? Có phải là "nối lời" không?

“Nối điêu” là một từ nửa Hán nửa Việt. “Nối” là động từ thuần Việt. “Điêu” là lông đuôi của một loại thú có sắc vàng và đen, sinh ở xứ rét (Trung Quốc), da nó làm áo mặc rất ấm, nên rất quý.

“Nối điêu” còn được gọi là “tục điêu”. “Tục” là “nối, tiếp nối”. Từ này có nghĩa là “lấy cái dở của mình để nối vào cái hay của người, thường là trong việc làm thơ, làm văn với ý khiêm tốn” (Vương Lộc, Từ điển từ cổ, NXB Đà Nẵng, 2001).

Đào Duy Anh (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974) giải thích thêm như sau: “Điêu là một loài chồn, đuôi to lông dài, sống ở gần Bắc cực. Ở Trung Quốc xưa, quan hầu cận nhà vua thường dùng đuôi con điêu làm ngù mũ. Đến cuối đời Tần, Triệu Vương Luân cướp ngôi, phong quan chức cho bọn tôi tớ, mỗi khi triều hội thấy đầy người đội mũ đuôi điêu, người đời có câu rằng: "Điêu bất túc, cẩu vĩ tục" (Đuôi điêu không đủ thì nối bằng đuôi chó).

“Nối điêu” là từ chỉ xuất hiện duy nhất trong “Truyện Kiều” có 1 lần (câu 1317). “Tục điêu” cũng xuất hiện hiếm hoi không kém. Trong “Mai Đình mộng ký” của Nguyễn Huy Hổ duy nhất 1 lần có từ này:

“Tục điêu gắng bộ vận tiên

Liễu Trì trước lá hoa tiên thế nào?”

Cũng vì là từ cổ, rất ít dùng nên Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) bản mới nhất không thống kê “nối điêu” và “tục điêu” trong danh sách 46.890 mục từ thông dụng của tiếng Việt. Là từ cổ, với cách dùng cũ, “nối điêu” có nghĩa là "lấy cái không hay, không tốt của mình nối vào cái hay, cái tốt của người khác" (với hàm ý khiêm tốn).

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›