(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì đoàn làm phim Kong: Skull Island đã lên tiếng trong một tâm thư gửi báo giới Việt Nam hôm qua (16/3) với những lời lẽ hết sức tao nhã và chân tình, nhưng chứa đựng một thông điệp cứng rắn: Xin đừng làm phiền đoàn làm phim, và đừng tiết lộ bối cảnh của nó.
Báo chí quốc tế cũng trích dẫn lời người dân địa phương nói rằng, phim trường những nơi đó được bảo vệ nghiêm ngặt.
Có thể thấy rằng, thời kỳ đầu, đoàn làm phim đã khá “uyển chuyển” trong việc tiếp đón các đoàn thăm chính thức hoặc các vị khách không mời “lảng vảng” quanh phim trường. Có lẽ họ không muốn làm mếch lòng người hâm mộ Việt Nam, thực sự quá cởi mở, hiếu khách và trọng thị họ.
Nhưng cuối cùng, sự “chuyên nghiệp” đã chiến thắng. Mà bức “tâm thư” nói trên là một việc chẳng đặng đừng.
Khi đoàn phim rời khỏi Quảng Bình, họ không để lại bất kỳ dấu vết nào trên phim trường. Có lẽ đó không chỉ là ý thức bảo vệ môi trường, mà còn là ý thức bảo vệ bối cảnh. Người hâm mộ tiếc rẻ vì không thể nhìn thấy bàn chân khổng lồ của quái vật Kong được họ tạo tác trên bãi cỏ, đơn giản vì họ muốn giấu, nên đã xóa hết.
Xét ở một khía cạnh nào đó, sự rò rỉ những thông tin, hình ảnh về phim trường hay quá trình quay Kong: Skull Islandvừa qua trên truyền thông Việt Nam cũng có những tác dụng nhất định.
Nó hâm móng cơn sốt về bộ phim này ngay từ đầu, và dù chưa thể biết phim hay dở ra sao, nhưng có thể thấy ngay, nhờ có bối cảnh Việt Nam, mà nhà sản xuất đã có thể nhẩm ngay ra doanh thu của nó trên thị trường Việt. Nó là một phép cộng giữa lượng fan của bộ phim và lượng người yêu thắng cảnh quê nhà.
Nhưng phim trường có lẽ không phải là “chiến trường” cho truyền thông “oanh tạc”. Sự rò rỉ đó cũng để lại những tác động tiêu cực. “Các hình ảnh ghi tại trường quay mới chỉ là một phần trong cả quá trình sản xuất phim, tiếp đó nhà sản xuất cần chọn lọc kỹ càng từng khung hình và làm hậu kỳ, vì vậy chỉ đến khi bộ phim hoàn thành và được trình chiếu trên màn ảnh rộng, các hiệu ứng hoàn chỉnh mới đủ để mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh tốt nhất. Các hình ảnh không chính thức sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm xem phim” - đoàn làm phim lên tiếng trong bức tâm thư.
Đó là chưa kể đến chuyện có thể làm tổn hại đến hợp đồng bảo mật thông tin, hay mối quan hệ nội bộ giữa đoàn làm phim với các đối tác...
Bảo vệ bí mật phim trường là một trong những quy tắc mà nhiều đoàn phim lựa chọn, nhất là những bộ phim thiên về kỹ xảo. Còn có cả những thứ luật bất thành văn khác mà không phải ai cũng biết.
Để ý ta sẽ thấy rằng, kể cả khi bị nhầm với King Kong 2 (điều mà báo Thể thao & Văn hóa đã minh định ngay từ đầu) thì trong bức tâm thư nói trên, đoàn làm phim Kong: Skull Island cũng chỉ giải thích vắn tắt: “Bộ phim Kong hoàn toàn không phải là phần tiếp theo hay phần làm lại của các phim về King Kong trước đó.
Đây là một bộ phim hoàn toàn nguyên bản và có bối cảnh hoàn toàn mới trong câu chuyện thần thoại về Kong. Do đó việc sử dụng tên "King Kong 2" để nói về bộ phim Kong: Skull Island là không chính xác”.
Câu hỏi đặt ra vậy Kong: Skull Island kể về cái gì? Sẽ không ai trả lời, bởi đó cũng là một bí mật. Với các sinh viên chuyên ngành phê bình điện ảnh hay với những nhà phê bình, quảng bá phim, họ đều tuân thủ luật bất thành văn là không tiết lộ quá chi tiết về bộ phim, kể cả phim đã công chiếu, mà chỉ được phép giới thiệu hết sức vắn tắt về nội dung, chừng 3-4 dòng.
Điều đó áp dụng với cả các bài phân tích sâu về phim (trừ bài tốt nghiệp trong trường). Vì sao không được kể lại tường tận các bước ngoặt bộ phim, các nút thắt quan trọng, thời điểm và lý do nhân vật chết...? Tất cả là để đảm bảo cho bộ phim còn nguyên sự hấp dẫn, bí ẩn trước quảng đại công chúng.
Dẫu sao cũng phải cám ơn đoàn phim Kong: Skull Island với bức tâm thư kể trên. Nó nhắc chúng ta ngừng tò mò về những thứ mà có thể làm chính chúng ta cụt hứng khi bước vào rạp chiếu.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Tags