Từ 'Vết mưa' dính nghi án đạo nhạc: Biểu hiện của sự tự ti, sính ngoại?

Thứ Sáu, 19/08/2016 07:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có một bài hát của nhạc sĩ Việt Nam giống hoặc “na ná” bản nhạc nước ngoài, lập tức bài hát và tên người sáng tác bài hát Việt Nam sẽ bị gắn cho cụm từ “nghi án đạo nhạc” mà không bao giờ có chuyện ngược lại. Dù có vài trường hợp bài hát của nhạc sĩ Việt Nam bị nước ngoài “đạo”.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao với bài hát Vết mưa của Vũ Cát Tường, bài hát được cho là giống với bài hòa tấu Rain In The Park của nữ nhạc sĩ Nhật Bản Marika Takeuchi. Hàng chục bài báo đưa ra nghi án Vũ Cát Tường đạo nhạc.

Và khi có thêm thông tin từ nhạc sĩ Nhật Marika Takeuchi, rằng bản nhạc hòa tấu của nhạc sĩ này được đưa lên trang chia sẻ nhạc Soundcloud ngày 26/8/2013 trong lúc Vết mưa của Vũ Cát Tường giới thiệu đến công chúng là năm 2014 thì liên tiếp nhiều thông tin nói đến khả năng nhạc sĩ Marika Takeuchi khởi kiện Vũ Cát Tường, làm như chắc chắn 100% Vũ Cát Tường là người đã đạo nhạc.


Dư luận từng xôn xao với bài hát "Vết mưa" của Vũ Cát Tường

Tuy nhiên, đến ngày 17/8, khi bản chụp màn hình nội dung trao đổi của Vũ Cát Tường và Marika Takeuchi. Vũ Cát Tường đã chứng minh bản demo Vết mưa gửi cho nhạc sĩ phối khí là ngày 16/8/2013, trước lúc Marika Takeuchi tung bản hòa tấu Rain In The Park lên trang chia sẻ nhạc Soundcloud 10 ngày (và nhạc sĩ người Nhật cũng thừa nhận điều này).

Lúc này nhiều bài báo với dòng title như: Nhạc sĩ Nhật thừa nhận/ công nhận Vũ Cát Tường không đạo nhạc… Điều đáng nói là không ai đặt nghi vấn bản nhạc hòa tấu Rain In The Park của nhạc sĩ người Nhật có thể đã “đạo” Vết mưa của Vũ Cát Tường, bởi bản nhạc Vết mưa của Vũ Cát Tường có trước bản hòa tấu Rain In The Park của Marika Takeuchi.

Và lời giải thích của Marika Takeuchi, đại ý rằng sự giống nhau giữa hai bản nhạc là sự trùng hợp ngẫu nhiên, điều này cũng dễ dàng được nhiều người chấp nhận, không một lợn cợn, đắn đo, điều mà Vũ Cát Tường hoặc bất cứ nhạc sĩ Việt Nam Nam nào cũng sẽ bị dư luận “vặn vẹo” khi ở trong hoàn cảnh tương tự.

Năm 2011, Nguyễn Văn Chung đã cùng đại diện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sang tận Singapore để cùng CISAC và COMPASS xác lập bản quyền cho bài hát Vầng trăng khóc của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và vụ kiện

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và vụ kiện "Vầng trăng khóc"

Chiều qua tại cà phê Yoko , TP.HCM, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có buổi gặp gỡ thân mật với báo giới để giới thiệu album My Family - Gia đình nhỏ, hạnh phúc to.


Đây là bài hát rất nổi tiếng của Nguyễn Văn Chung, nó gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Khánh Ngọc - Nhật Tinh Anh và trở thành hit của thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, khi có một số MV của Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia có giai điệu giống hệt Vầng trăng khóc của Nguyễn Văn Chung, đầu tiên Nguyễn Văn Chung cũng bị đặt vấn đề “nghi án đạo nhạc”, dù bài hát Vầng trăng khóc lưu hành trong thị trường nhạc Việt từ năm 2002, nhưng đến năm 2008 các MV nói trên của các ca sĩ nước ngoài mới lần lượt xuất hiện.

Cũng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trường hợp bài Nhật ký của mẹ gần đây cũng bị “tố” là có một phần giống một bản hòa tấu nhạc Nhật. Nhưng khi Nguyễn Văn Chung có bằng chứng để xác nhận bài hát Nhật ký của mẹ xuất hiện trên Karaoke Arirang vào tháng 11/2008, trong lúc bài nhạc Nhật kia được biểu diễn lần đầu tiên là ngày 23/2/2010 ở Budokan, Nhật Bản thì dư luận mới “yên”. Dù không ai nói đến việc Nhật ký của mẹ đạo nhạc nữa, nhưng cũng chẳng ai đặt ra “nghi án đạo nhạc” của bản nhạc Nhật kia đối với Nhật ký của mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung?

Kể ra nhiều trường hợp như vậy để thấy rằng trong “tâm thức” của đông đảo dư luận, gần như chỉ có nhạc sĩ Việt Nam mới đạo nhạc, và bị dư luận “soi”, còn nhạc sĩ nước ngoài thì dễ dàng được chấp nhận là “sự trùng hợp ngẫu nhiên trong sáng tác”, nếu tác phẩm của họ xuất hiện sau tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam. Thậm chí có trường hợp bị người nước ngoài đạo nhạc như đã nói trên, nhạc sĩ Việt thời gian đầu cũng phải đối mặt với “nghi án đạo nhạc”.

Thời gian qua có nhiều lúc nhạc sĩ Việt bị sự đối xử khắt khe của dư luận trong việc nhìn nhận sự giống nhau của các tác phẩm. Phải chăng điều này là biểu hiện của sự tự ti, sính ngoại?

Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›