(Thethaovanhoa.vn) - Lãnh đạo thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa thẳng thừng từ chối đề xuất xây dựng tuyến cáp treo dài hơn 7 km của một doanh nghiệp.
- Khu du lịch Sun World Fansipan Legend miễn phí vé cáp treo tới Tăng Ni cả nước
- Ưu đãi giá vé cáp treo Fansipan dành cho người dân Tây Bắc chỉ còn 20 ngày
- Tri ân người dân 6 tỉnh Tây Bắc, Sun World Fansipan Legend áp dụng mức vé cáp treo đặc biệt
Theo ý tưởng được đưa ra, tuyến cáp treo (trị giá hơn 2000 tỷ đồng) ấy sẽ bắc từ làng Thanh Hà ven phố cổ Hội An sang bờ Nam sông Thu Bồn, giúp du khách vừa có thể đi lại thuận tiện, vừa ngắm nhìn phố cổ trên cao.
Như những gì được chia sẻ qua báo giới, một trong những lý do dẫn tới quyết định này nằm ở quan điểm của thành phố cho rằng: với đặc thù bảo tồn các giá trị không gian cảnh quan của khu phố cổ, cũng như định hướng phát triển Hội An là thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch thì việc đầu tư tuyến cáp treo ấy là không phù hợp.
Thực tế, những tranh luận trái chiều về việc xây dựng hệ thống cáp treo tại di sản vẫn thường xuất hiện trong vài năm qua. Nhưng, việc một địa phương thẳng thừng và dứt khoát từ chối xây dựng loại hình này, lại là điều hiếm gặp.
***
Cáp treo xuất hiện tại Việt Nam mới chỉ gần 20 năm. Cụ thể, năm 1999, tuyến cáp treo đầu tiên được xây dựng với chiều dài chỉ 800 mét tại Núi Chúa (Bà Nà, Đà Nẵng). Rồi, phải 4 năm sau, tuyến cáp treo thứ 2 mới được xây dựng tại Đà Lạt, dài 2300 mét. Vậy nhưng, tới thời điểm hiện tại, chúng ta đã có cả chục hệ thống cáp treo đang vận hành tại các khu vực di sản, cảnh quan thiên nhiên như Yên Tử, Tây Thiên, Nha Trang, Hạ Long, Chùa Hương…
Không khó để giải thích về sự “phổ cập” cáp treo tại các điểm du lịch. Đó là phương tiện giao thông hiệu quả hơn hẳn đường bộ trong việc đưa du khách tới những điểm tham quan có địa hình phức tạp – đặc biệt là ở vùng cao. Thêm vào đó, việc vận hành bằng cáp treo còn giúp tiếp cận các điểm tham quan này ở một chiều kích mới: mở ra góc nhìn từ trên cao xuống toàn bộ không gian và cảnh quan của khu vực.
Nhưng, bên cạnh những hệ thống cáp treo kể trên, đã phát huy được giá trị của nó và dần được dư luận ủng hộ, thậm chí là niềm tự hào của địa phương, là điểm nhấn của cảnh quan; thì cũng có một số dự án, đề xuất xây dựng cáp treo bị phản ứng vì bị cho là ảnh hưởng tiêu cực tới di sản. Đó không chỉ đơn thuần là chuyện tác động tới cảnh quan – khi những trụ cáp, cabin, hệ thống dây dẫn… cao hàng chục mét, nếu được bố trí không hợp lý có thể sẽ làm người ta “vướng mắt”, khi chúng xâm nhập vào những không gian của di sản thiên nhiên, hoặc của kiến trúc cổ. Xa hơn, như phân tích của nhiều chuyên gia, việc đưa một lượng khách khổng lồ tiếp cận di sản mà không có sự tính toán, chuẩn bị mới chính là nguy cơ gây ra tình trạng phá vỡ không gian riêng, khiến di sản mau xuống cấp hay ô nhiễm môi trường…
Bởi thẳng thắn, ở một số trường hợp, chúng ta chưa có những khảo sát, phân tích đầy đủ về khả năng “chịu tải’ của di sản. Cụ thể, di sản đó đủ sức đón tiếp tối đa bao nhiêu du khách trong một năm để có thể vận hành tốt nhất, cũng như giữ được sự phát triển ổn định về lâu dài.
Trên lý thuyết, nếu một vùng di sản chỉ tiếp nhận được 500 du khách một ngày nhưng lại mở cửa để đón mỗi ngày 5000 du khách thì tình trạng quá tải sẽ xảy ra. Có thể, trong vài tháng đầu, cảnh quan và không gian đặc thù của nó vẫn được duy trì. Nhưng kéo dài hơn, chắc chắn, chúng sẽ bị tác động tiêu cực bởi tiếng ồn, rác thải… và không thể giữ được sự hấp dẫn như cũ.
Trở lại câu chuyện của Hội An. Rõ ràng, việc địa phương này nói không với cáp treo xứng đáng nhìn nhận như một động thái tích cực, trong việc bảo tồn di sản phố cổ Hội An một cách bền vững và lâu dài.
Bởi, cáp treo không có lỗi. Lỗi, nếu có, nằm ở chính cách tư duy của chúng ta, khi nôn nóng muốn “tận thu” từ di sản một cách nhiều nhất và nhanh nhất, dựa trên loại phương tiện ấy.
Sơn Tùng
Tags