(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp những vụ “xe điên” xảy ra trên địa bàn thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã gây ra bao đau thương, mất mát cho gia đình các nạn nhân. Đồng thời để lại một hậu quả không thể đo đếm được cho xã hội: gây tâm lý bất an cho mọi người khi đi lại hàng ngày. Dường như bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo của những chiếc xe điên như thế.
Người dân lo lắng và phẫn nộ vì rất nhiều vụ xe điên là do tài xế sử dụng rượu bia quá mức gây ra.
Gần đây nhất, ngày 1/5/2019, một chiếc xe Mercedes đã đâm vào xe máy làm 2 người tử vong tại hầm đường bộ Kim Liên. Trước khi gây ra tai nạn, tài xế chiếc xe này đi họp lớp và đã uống nhiều rượu và bia.
Trước đó, vụ tai nạn hôm 22/4 làm chết nữ nhân viên môi trường đô thị cũng có nguyên nhân do tài xế đã sử dụng rượu bia quá mức cho phép.
Thói quen uống rượu bia đã ngấm vào khá nhiều người Việt chúng ta kể cả nam và nữ. Rất nhiều lý do được người ta đưa ra để biện minh cho việc uống rượu bia, nào là do “vui anh em”, “vui liên hoan”, “mừng gặp mặt”, “uống cho xứng mặt đàn ông”… Ngay cả một sinh hoạt rất ý nghĩa là họp lớp - lẽ ra đó phải là dịp để gặp gỡ, chia sẻ với nhau, để mà sống có trách nhiệm hơn… thì đây đó cũng bị biến thành dịp để tụ họp, nhậu nhẹt. Đến mức có bài báo còn lấy tiêu đề: Đi họp lớp hay là họp ma men?
Gõ từ khóa “tai nạn giao thông do rượu bia” trên Google, với thời gian 0,38 giây chúng ta có được 7.704.000 kết quả trong đó có rất nhiều bài viết, hình ảnh, bài phân tích cũng như đề xuất các hình thức phạt và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm an toàn giao thông do sử dụng rượu bia.
Nói theo cách của ngành y thì “tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia” hiện chưa có loại “thuốc đặc trị”. Các hình thức như tuyên truyền, vận động, kêu gọi người dân khi tham gia giao thông không sử dụng rượu bia thông qua hình thức dán đề can trên các phương tiện giao thông, thay đổi avatar trên các trang mạng xã hội là rất tốt, thế nhưng chưa đủ. Đấy là chưa kể nhiều cuộc vận động tuyên truyền vẫn còn mang tính phong trào, chưa quyết liệt và thời gian không kéo dài.
Vấn đề chính có lẽ nằm trong các khung hình phạt của pháp luật hiện hành. Cũng đã đến lúc cần có các chế tài cứng rắn hơn nữa cho phù hợp với tình hình thực tế.
***
Tôi thử đặt ra câu hỏi: Nếu tất cả chúng ta đều nói không với rượu bia, trước hết là trong vòng 1 tuần lễ, thì có khó không?
Phải công nhận rằng, việc đó không dễ đối với một số người thường xuyên phải tiếp khách, hay có thói quen khó bỏ là tụ họp nhậu nhẹt cùng bạn bè mỗi cuối chiều. Sau khi uống rượu bia xong, không phải ai cũng có đủ ý thức để gọi taxi hay xe ôm chở về nhà. Rất nhiều “ma men” luôn vỗ ngực cho rằng, mình vẫn chưa say và tay lái còn “lụa”. Chỉ đến khi gây tai nạn thì mới hối không kịp.
Nếu tất cả chúng ta đều nghĩ rằng, thói quen bia rượu của mình nơi quán xá chính là nguyên nhân gây ra nỗi bất an của tất cả mọi người, trong đó có vợ con, gia đình mình, thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ phải thay đổi.
Một tuần không rượu bia, hoặc nếu có rượu bia thì tuyệt đối không lái xe… Đó sẽ là một tuần không phải sống trong bất an, một tuần an lành, hạnh phúc cho chính gia đình ta và cho mọi gia đình.
Vạn sự khởi đầu nan. Sau một tuần “không rượu bia” thì sẽ tới một tháng không rượu bia, rồi một năm không rượu bia... An lành, hạnh phúc trong tầm tay.
Đào Quốc Thắng
Tags