Về việc 'cấm biểu diễn xiếc thú' ở Việt Nam: AfA không hẳn là vô lý

Thứ Tư, 23/05/2018 06:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về đề xuất "cấm biểu diễn xiếc thú" tại Việt Nam đang gây chú ý.

Thực chất, đề nghị ấy là "cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc - nơi động vật buộc phải thực hiện các hành vi trái với hành vi tự nhiên của chúng". Đề nghị ấy xuất hiện trong thư ngỏ gửi tới lãnh đạo Bộ VH,TT&DL và Liên đoàn Xiếc VN của một tổ chức quốc tế có tên gọi Liên minh châu Á vì động vật (AfA - Asia For Animals Coalition).

Dẫn ra một báo cáo, AfA cho biết: hiện có 19 loại động vật đang được sử dụng trong biểu xiếc thú tại Việt Nam (trong đó có những loại bị xếp vào tình trạng nguy cấp theo pháp luật).

Đi xa hơn, AfA còn đề nghị phía Việt Nam truy tố các chủ cơ sở xiếc "sử dụng trái pháp luật các loại động vật trong nhóm IB (động vật hoang dã, cấm khai thác vào mục đích thương mại) để phục vụ mục đích thương mại". Những động vật hoang dã đang biểu diễn xiếc sau khi bị tịch thu sẽ được đưa về các cơ sở có uy tín.

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn xiếc thú với voi ở công viên văn hóa Đầm Sen, TP.HCM. Ảnh: Quang Định/ Tuổi Trẻ Online

Như vậy, khuyến nghị của AfA chỉ hướng tới những động vật hoang dã. Tuy nhiên, sân khấu xiếc Việt Nam từ trước tới nay cũng vẫn có những động vật thuộc loại này, chẳng hạn như voi và gấu ngựa.

Đã có những ý kiến phản hồi từ một số nghệ sĩ xiếc, rằng khuyến nghị của AfA chưa thật phù hợp ở Việt Nam. Như phân tích, dù từng gây ra những ý kiến trái chiều, việc biểu diễn xiếc thú (gồm cả động vật hoang dã) vẫn được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Còn với chúng ta, xiếc thú là một phần đặc sắc trong lịch sử của môn nghệ thuật đặc biệt này.

***

Khuyến nghị  của AfA có khả thi hay không trong bối cảnh Việt Nam, đó là một câu hỏi còn đang được để ngỏ. Nhưng, câu chuyện ở đây dài hơn thế.

Bản thân thư ngỏ của AfA cũng cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý về cách chăm sóc và bảo vệ các động vật hoang dã tại một số cơ sở xiếc. Theo đó, nhiều động vật này đang có “nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi, động vật bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ”.

Nếu nhìn vào thực trạng đìu hiu của ngành xiếc nói chung, cũng như những bề bộn của chuyên ngành xiếc thú nói riêng mà báo giới từng nêu ra, những thông tin từ AfA không hẳn là vô lý.

Bởi, nếu những cơ sở xiếc lớn đang phải rất vất vả để đảm bảo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng hệ thống thú nuôi của mình thì cũng có không ít những gánh xiếc nhỏ, lẻ từng bị “chỉ mặt” vì cách nuôi và dạy thú để biểu diễn theo kiểu chụp giật.

Vài năm trước, chính báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) từng có bài viết về gánh xiếc biểu diễn ở một trường tiểu học tại Hà Nội. Ở chương trình ấy, nhiều học sinh bật khóc khi thấy các chú khỉ bị “cưỡng chế” phải nâng tạ, rồi nhảy nhót, lên xà, đạp xe... trong khi cổ vẫn lòng thòng sợi dây.

Tình cảnh ấy cũng giống với kiến nghị của một tổ chức bảo vệ động vật quốc tế khác, từng gửi tới các cơ quan quản lý tại khu vực phía Nam, khi họ chứng kiến những chú khỉ ở một khu sinh thái bị bịt mắt để đạp xe và nhảy qua vòng lửa, dưới roi vọt của người quản thú. Hoặc, có không ít trường hợp, cá sấu được các gánh xiếc mang ra biểu diễn bừa bãi tại hội chợ, với những tiết mục được đặt tên theo kiểu như “Cá sấu khổng lồ từng giết chết năm đời chồng”.

Nâng cao chất lượng quản lý cũng như cách đầu tư, câu chuyện ấy dài và khó hơn nhiều so với cách chúng ta dẫn ra những lý do cần thiết để duy trì xiếc thú.

Phản cảm

Phản cảm "xiếc thú" trong trường học

Sáng ngày 30/5, tại một buổi tổng kết trường mầm non ở Hà Nội đã có tiết mục xiếc động vật khiến các bậc phụ huynh vô cùng phiền lòng.

Sơn Tùng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›