(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa chứng kiến một sự tình cờ thú vị: Ngày giải thưởng Dế Mèn được phát động cũng nằm sát với thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em cũng là nội dung chiếm trọn một ngày thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào hôm qua, 28/5.
Thực tế thì nạn xâm phạm trẻ em - cũng như nhu cầu bảo vệ đối tượng đặc biệt này - là vấn đề đã được đặt ra từ khá lâu trong một xã hội Việt Nam hiện đại. Và, cùng với sự phát triển của nhận thức chung, vấn đề ấy cũng đã đi xa hơn rất nhiều so với xuất phát điểm từng có: Sự “xâm phạm” ở đây không chỉ mang nghĩa thể xác đơn thuần.
Điển hình cho câu chuyện ấy chính là câu hỏi mà một Đại biểu đặt ra trong kỳ họp Quốc hội hôm qua, khi nhắc về một cậu bé 4 tuổi òa khóc trên một gameshow truyền hình trước cặp mắt của hàng triệu người. Ông băn khoăn rằng, dưới “vỏ bọc văn hóa”, cách người bắt những đứa trẻ hồn nhiên và ngây thơ phải học cách sống cạnh tranh, hơn thua để bước lên ngôi vị cao nhất có phải là một hình thức “xâm hại”?
Tạm chưa bàn tới tính đúng - sai của ý kiến ấy, thì chúng ta cũng đã có một thực tế được chỉ ra từ lâu: Các “sân chơi” dành cho thiếu nhi hiện nay không thiếu, nhưng ở đó, sự xuất hiện của… người lớn lại luôn quá nhiều. Đó không chỉ là câu chuyện của game show, của trò chơi điện tử mà còn nằm ngay ở các sáng tác - khi mà phần lớn những sản phẩm văn hóa thuần Việt dành cho các em hiện nay vẫn đến từ những tác giả chuyên nghiệp.
Chúng ta đều hiểu, có một khoảng cách không nhỏ luôn tồn tại giữa những sáng tác ấy với những sáng tác thuần khiết của trẻ em, được trẻ em viết cho mình và về thế giới của mình. Và, có tài năng thiên phú đến đâu, không phải trong mọi trường hợp, những tác giả “người lớn” đều có thể kiên nhẫn tạm gác bỏ sự tri nhận sẵn có để mãi đồng hành cùng khối óc của trẻ em, để hiểu và bắt nhịp cùng những trái tim non nớt, giữa thời đại của mình.
Có nghĩa, đó là sự cần thiết để tồn tại những sân chơi dành riêng cho trẻ em - mà ở đó, chúng ta có thể quan sát những sáng tác của các em bằng sự trân trọng, khuyến khích và sẻ chia. Ở đó, “người lớn” chỉ nên là khán giả và cực chẳng đã, đóng vai trò định hướng cho các em nếu có điều gì bất ổn xảy ra với lứa tuổi còn ngây thơ và trong sáng này.
Bởi muôn vàn yếu tố khác nhau, thực tế đã cho thấy những sân chơi như vậy không dễ được hình thành và duy trì. Và cũng bởi vậy, không có gì lạ khi rất nhiều tác giả và chuyên gia đã trân trọng và dành những lời khuyến khích đặc biệt giải thưởng Dế Mèn của Thể thao & Văn hóa, khi sân chơi này đã dành một dung lượng lớn cho những sáng tác của trẻ em, với trẻ em đóng vai trò chủ thể sáng tạo.
Đã có những chia sẻ rất chân tình từ họ với giải thưởng Dế Mèn. Rằng ở đó, việc chờ đợi các sáng tác của người lớn dành cho trẻ em nên được đặt xuống thứ hai - bởi dù sao “người lớn” vẫn có những khuôn định về thế hệ và khó có thể vượt qua. Rằng, khi phát triển tới một tầm mức cao hơn, giải thưởng nên có sự xuất hiện của trẻ em trong thành phần “cầm cân nảy mực”. Rằng, nếu có một gương mặt trẻ nào vụt sáng trong giải thưởng này, chúng ta hãy kiên nhẫn để đừng khoác lên vai các em 2 chữ “thần đồng” như một gánh nặng trong suốt quãng đời còn lại.
Hẳn, những ai từng say mê “Hoàng tử bé”, cuốn sách nổi tiếng nhất về câu chuyện trẻ con - người lớn, đều biết lời đề từ của tác giả Saint Exupery: Mọi người lớn trên đời đều từng là trẻ con. Nhưng (đáng buồn), ít người trong bọn họ lại nhớ ra điều đó.
Hoàng Nguyên
Tags