(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày xuân. Chúng tôi về thăm mộ nhà thơ Nguyễn Bính ở quê hương ông, thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, Nam Định.
Ngôi mộ nằm trong khu vườn, nơi có nhà lưu niệm trên nền đất cũ của gia đình. Mộ ốp đá xám, không bề thế nhưng đủ trang trọng. Sau mấy lần di dời, cuối cùng thi sĩ đã về an nghỉ trên đất quê hương. Trong bức ảnh trên bia mộ, đôi mắt người thơ vẫn như mang nỗi buồn xa xăm.
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành...
Tôi chợt nhớ đến câu thơ ông viết. Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày Nguyễn Bính đi xa. Bầu trời xuân hôm nay thanh cao, khu vườn xanh sắc màu hoa lá. Cây hoàng lan cao vươn lên nền trời. Vành hoa Tigon ôm lấy bia và di ảnh của ông, thấp thoáng nụ hoa đỏ. Hương chanh bưởi trong không gian tĩnh lặng chân quê.
Nhà báo Trần Mai Hưởng viếng mộ thi sĩ Nguyễn Bính
Trong căn nhà nhỏ, đồ đạc khá đơn sơ. Trên bàn thờ, cùng ảnh nhà thơ là tấm bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh treo trang trọng. Khi thắp hương tưởng nhớ ông, những tài hoa và cả những lận đận một đời thơ, đời người chợt hiện về trong tôi.
Một nhà thơ của làng quê Việt, đã chạm đến những tầng sâu xa nhất trong tâm hồn con người, làm say lòng cao thế hệ với những Chân Quê, Lỡ Bước Sang Ngang, Anh Lái Đò, Cô Hàng Xóm... Một nghệ sĩ yêu nước, gắn bó với kháng chiến, vượt gian khó hy sinh với "Tiểu đoàn 307" oai hùng. Người với nỗi đau day dứt thời đất nước cách chia: Sao đêm chung sáng chẳng chia miền/ Trời còn có bữa sao quên mọc / Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em... Một tài hoa lãng tử xê dịch và cả những thăng trầm thời ông làm chủ bút báo Trăm Hoa...Trong ông có tất cả những con người ấy, những nỗi niềm ấy.
Cỏ nằm trên mộ đợi Thanh Minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Tiết Thanh Minh đến với màu xanh của trời đất cây cỏ. Nhiều thế hệ những người yêu thơ vẫn tìm đến ông bằng tấm lòng tri kỷ. Những xuân qua, xuân này và cả những xuân sau.
Trần Mai Hưởng
Tags