Vụ ảnh thờ 'Dạ cổ hoài lang': Chuyện ‘ỷ lại’ vào ‘giáo sư biết tuốt’ google

Thứ Bảy, 01/04/2017 19:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo lý giải và gửi lời xin lỗi của nhà sản xuất phim Dạ cổ hoài lang, vì kiêng đưa ảnh người thật lên bàn thờ nên đã dùng ảnh nhân vật... đóng thế. Tổ thiết kế đã dùng ảnh “lượm” được trên mạng internet, sau đó chỉnh sửa lại cho giống nhân vật trong phim.

Tuy nhiên, xui cho đoàn phim Dạ cổ hoài lang là hình nhân vật đóng thế lên… bàn thờ này lại là người nổi tiếng: bà Tống Mỹ Linh (phu nhân của Tưởng Giới Thạch), nên người xem dễ dàng nhận diện nhân vật lịch sử này. Hậu quả là Dạ cổ hoài lang phải chỉnh sửa lại khá tốn kém vì một bức ảnh chỉ dùng để... thờ trên phim.


Chân dung bà Tống Mỹ Linh được phim Dạ cổ hoài lang biến thành di ảnh để thờ

Một trong những công cụ tìm kiếm trên mạng internet phổ biến nhất hiện nay là google đã giúp rất nhiều người truy tìm thông tin, hình ảnh mà mình cần. Tuy nhiên, nếu quá “ỷ lại” vào “giáo sư biết tuốt” google thì thế nào cũng có ngày… sập hầm.

Chẳng hạn như Ngày thơ Việt Nam vừa qua ở Văn Miếu (Hà Nội), trên pano giới thiệu về thi nhân Hàn Mặc Tử, nhưng hình lại là gương mặt của thi nhân Yến Lan; dù hai ông thời trẻ cùng trong nhóm Bàn thành tứ hữu (Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan) ở Bình Định nổi tiếng cả nước.


Thi nhân Việt Nam - Yến Lan thời trẻ, hình này ông không đeo kính. (Ảnh chụp từ album gia đình nhà thơ)


Và chân dung nhà thơ Yến Lan trên pano giới thiệu về Hàn Mặc Tử tại Ngày thơ Việt Nam (Văn Miếu, Hà Nội). Hình này Yến Lan đeo kính nhưng để biết đây là Yến Lan hay Hàn Mặc tử cần tham khảo những người thân của hai ông hiện còn sống ở Hà Nội và TP.HCM, chứ không thể "ỷ lại" vào google

Vấn đề là những người thực hiện ảnh thờ trong phim Dạ cổ hoài lang và Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu đã “tin tưởng tuyệt đối” vào “giáo sư biết tuốt” google chứ không xem google hay các trang tìm kiếm trên mạng internet chỉ là… công cụ; mà với tất cả các công cụ có hiệu quả ra sao là do người dùng chứ công cụ không thể biến thành sự… hiểu biết hay kiến thức được.


Cũng vì quá "tin cậy" vào google mà không tra cứu, kiểm chứng cẩn trọng, sách Kiến văn tiểu lục đã in lộn hình tác giả Lê Quý Đôn thành hình Nguyễn Trãi, gây thiệt hại cho NXB Trẻ và khiến bạn đọc... phiền lòng

Năm 2013, NXB Trẻ đã phải xin lỗi và thu hồi chỉnh sửa cuốn sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cũng vì cái hình do “giáo sư biết tuốt” google… “cung cấp”. Sau khi nộp lưu chiểu và phát hành, bạn đọc phát hiện ra hình tác giả in trong lá cánh bìa 1 của sách Kiến văn tiểu lục không phải là Lê Quý Đôn mà là… Nguyễn Trãi. Lỗi này cũng do biên tập viên google tìm hình nhưng không đủ kiến thức để phân biệt “ngài nào là Lê Quý Đôn và ngài nào là Nguyễn Trãi”.

Những lỗi đáng tiếc về hình ảnh trên phim, sách hay trên pano có thể sẽ giảm thiểu thiệt hại cho nhà sản xuất, đơn vị xuất bản nếu như những người trực tiếp thực hiện cẩn trọng hơn trong tra cứu thay vì chỉ dựa hẳn vào google.

Hoàng Nhân

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›