Nhiều phát hiện thú vị - nhưng cũng làm tăng thêm độ phức tạp về tổng thể - đã được đưa ra trong buổi Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật điện Kính Thiên năm 2022, diễn ra tại Hà Nội sáng 22/11.
Đây là đợt khai quật do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành từ tháng 3 năm nay, diễn ra trên diện tích gần 1.000 mét vuông.
Tiếp tục lộ rõ sân Đan Trì và đường Ngự đạo
So với những đợt khai quật trước, khu vực lần này nằm ngay giữa trung tâm (tính từ phía Bắc Đoan Môn đến phía Nam) của chính điện Kính Thiên. Ngoài phía Bắc bị giới hạn bởi phần nền nhà Cục Tác chiến, cả 3 phía Tây, Nam, Đông của các hố thám sát đều liền kề với phần diện tích đã được khai quật trong các năm 2012, 2013 và 2015.
Cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu trước đó, phần diện tích khai quật này tiếp tục phát lộ các lớp văn hóa nối tiếp nhau theo niên đại. Cụ thể, đó là các lớp văn hóa thời Nguyễn, Lê trung hưng, Lê sơ, Trần và Lý. Đặc biệt, các dấu tích về hệ thống sân Đan Trì (Đại Triều) và đường Ngự đạo qua từng thời kỳ tiếp tục được làm rõ.
Cụ thể, dấu tích sân Đan Trì thuộc thời Lê trung hưng cho thấy phần nền sân phân bố rộng rãi trong khắp hố khai quật. Dù bị đào phá rất mạnh trong thời Nguyễn và Pháp thuộc, vẫn có thể thấy phần sân này chạy theo hướng Bắc - Nam, trải dài từ thềm rồng điện Kính Thiên tới cổng Đoan Môn và phân rõ làm 2 khu vực phía Đông, phía Tây. Mặt sân được lát từ gạch vồ nhiều kích thước (phần lớn có niên đại Lê trung hưng) với kỹ thuật tương đối đồng nhất và được xây dốc dần về phía Tây, phía Đông để thoát nước với độ chênh lệch 10 - 15 cm.
Tương ứng với phần sân, đường Ngự đạo thời Lê trung hưng cũng kéo dài từ Đoan Môn tới thềm rồng, được tôn đắp trực tiếp trên nền Ngự đạo cũ thời Lê sơ và được chia thành 3 làn (làn giữa rộng 3,8m, 2 làn hai bên rộng mỗi làn 1,5m). Các phỏng đoán ban đầu cho thấy đường Ngự đạo được đắp bằng đá xanh hình chữ nhật, nhiều kích thước, với độ dày tương đối đồng nhất (dài 40 - 80cm, rộng 21,5 - 51cm, dày 9 - 16cm).
Trong khi đó, ở phần địa tầng thời Lê sơ, dấu tích sân Đan Trì chỉ còn được thể hiện ở phần nền móng, thông qua các lớp sét vàng tôn nền dày từ 10 - 38cm, bên trên phủ cát để tạo mặt phẳng lát gạch.
Dù vậy, đợt khai quật này lại lần đầu tiên tìm thấy đường Ngự đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, phía trên được phủ một lớp đá dăm dày - dấu hiệu của việc lớp lót Ngự đạo thời Lê trung hưng phủ lên trên. Ngoài ra, bên cạnh Ngự đạo có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn.
Cần nhắc lại, theo các kết quả nghiên cứu tới thời điểm này, sân Đan Trì và trục Ngự đạo là những kiến trúc đặc biệt quan trọng gắn với không gian của điện Kính Thiên xưa. Trong đó, sân Đan Trì là nơi trăm quan dự lễ đại triều, tổ chức các hoạt động thi tiến sĩ và các nghi lễ quốc gia. Còn trục Ngự đạo bắt đầu từ thềm điện Kính Thiên dẫn ra cửa Nam để hoàng đế xuất hành đi tế lễ tại các Nam Giao, Xã Tắc, tuần du và xuất chinh vệ quốc.
Mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới
Theo PGS-TS Tống Trung Tín - chuyên gia trực tiếp chỉ đạo khai quật - thì việc phát lộ đường Ngự đạo thời Lê sơ, cũng như phát hiện phần đá xanh lát mặt Ngự đạo thời Lê trung hưng là những thông tin quan trọng để góp phần "giải mã" không gian điện Kính Thiên.
Đáng nói, cuộc khai quật còn ghi nhận sự chênh lệch độ cao của các khoảng sân Đan Trì (khoảng 70 cm), để từ đây đưa ra giả thuyết thú vị về 2 cấp nền trên 1 phần sân.
Ở lớp văn hóa thời Lý và thời Trần, nhiều dấu tích kiến trúc cũng tiếp tục được làm sáng tỏ hơn. Trong đó, nổi bật là dấu tích một bức tường lớn chạy theo chiều Đông Tây với nhiều lần cải tạo mở rộng.
Các giả thiết ban đầu cho rằng bức tường này có thể bao quanh khu vực lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng. Cho nên người xưa đã mở nhiều cống nước đi qua chân tường để đổ vào đường nước lớn, đồng thời các đá phiến lát đáy cống được đục 2 lỗ vuông để cài song sắt chống đột nhập.
Ngoài ra, đợt khai quật cũng tìm thấy thêm dấu vết một kiến trúc độc đáo thời Trần. Đó là các "bồn hoa" hình chữ nhật hoặc vuông, được xây bằng gạch bìa đỏ, xếp thành các hàng với kỹ thuật xây dựng tương đối đồng nhất.
Riêng ở khu vực nửa phía Đông hố khai quật, có 7 dấu vết các bồn hoa được phát hiện. Cộng cùng 3 dấu vết bồn hoa đã xuất lộ trước đó trong cuộc khai quật 2015, có thể thấy, tại vị trí này từng tồn tại ít nhất 10 bồn hoa, xếp thành 3 hàng liền kề và cân xứng nhau, trong đó ô ở giữa to nhất.
Thêm nữa, mặt bằng thời Lý với sự xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc phía trong đường nước và tường bao đã làm tăng độ "khó hiểu" cho các di tích. Đặc biệt là trong bối cảnh hầu hết quy mô và cấu trúc kiến trúc thời Lý tại điện Kính Thiên đều chưa được làm rõ.
"Mặt bằng và các di tích thời Trần lại càng rắc rối và khó hiểu, nếu không nói là khó hiểu nhất ở khu vực này, cũng như trong tổng thể di sản, bởi nhiều lý do khách quan" - ông Tín nói thêm - "Tuy nhiên, câu chuyện về các di tích khảo cổ học xưa nay luôn là như vậy, vẫn luôn cần nghiên cứu từng bước".
Ở một góc độ khác, bên cạnh các phát hiện mới, cuộc khai quật này cũng cho thấy phía dưới lòng đất của trung tâm điện Kính Thiên còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới: Cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào? Các cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu? Các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng Bắc và hướng Nam không?
"Rõ ràng, cấu trúc Ngự đạo, Đan Trì phức tạp hơn nhận thức trước đây của chúng ta rất nhiều. Và như thế, cấu trúc tổng thể của Đan Trì và cấu trúc tổng thể của không gian rộng 35.000 mét vuông tại đây hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà ta chưa thể biết ngay được" - PGS Tống Trung Tín kết luận.
Ông Tín nói thêm: "Nhưng chính việc giải mã những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta ngày càng hiểu sâu sắc hơn về cấu trúc và phạm vi của chính điện Kính Thiên thời Lê. Mặt khác, sự thay đổi, chồng xếp vô cùng phức tạp của các dấu tích qua các thời kỳ lịch sử lại mở ra nhiều gợi ý mới cho những nghiên cứu lâu dài, nhằm làm sáng rõ hơn các giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long".
Tags