Ngày 17/5/2022 sẽ là thời khắc Nguyễn Linh Na không thể quên trong đời mình khi cô giành tấm HCV ở môn thể thao khắc nghiệt bậc nhất của điền kinh là 7 môn phối hợp. 17 năm, thời gian thực sự quá dài để đội tuyển Việt Nam sở hữu thêm một tấm HCV nội dung này.
Sau Nguyễn Thị Thu Cúc của Cần Thơ đã có 2 HCV SEA Games 22 và 23, đã 17 năm từ năm 2005, điền kinh Việt Nam chưa thể có thêm một tấm HCV nào nữa ở nội dung khắc nghiệt chỉ sau marathon và 10 môn phối hợp này.
7 môn phối hợp mà Linh Na phải đều đặn rèn luyện 8 năm qua gồm: 100m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m.
Điều đặc biệt tô điểm thêm chiến thắng cho Linh Na thêm hoành tráng là cô gái này từng chấn thương ở chân có thể dẫn đến hoại tử. Tuy nhiên, VĐV của Quân đội vẫn kiên cường vươn lên để chiến thắng bệnh tật và tiếp tục sống với đam mê.
Linh Na được HLV Vũ Văn Huyện, người đã có 4 HCV khi tham dự các kỳ SEA Games là tượng đài một thời của bộ môn điền kinh 10 môn phối hợp Việt Nam huấn luyện. Trực tiếp theo sát cô học trò, HLV Vũ Văn Huyện đã truyền đạt hết những kĩ năng và giúp Linh Na cải thiện được khả năng cô yếu nhất là nhảy sào và nhảy cao.
Linh Na từ chỗ bị đánh giá thua kém VĐV Sarah của Philippines từng giành HCV SEA Games 30 đã khiến tất cả phải trầm trồ.
Những sải chân chắc chắn và bỏ xa đối thủ trên đường chạy 800m cuối cùng đã giúp Linh Na cán đích với vị trí số 1, giành HCV SEA Games cho điền kinh Việt Nam ở nội dung đã 17 năm chưa có ai lấy được HCV từ sau đàn chị Nguyễn Thị Thu Cúc.
Linh Na có cho mình 5415 điểm, phá kỷ lục quốc gia. VĐV đoạt Sarah có HCB với 5381 và HCĐ là VĐV Malaysia Kamarruddin có 5262 điểm.
VĐV sinh năm 1997 kém 1 tuổi so với Sarah và kém 6 tuổi so với VĐV Malaysia. Cô còn có thể nâng cao thành tích ở thì tương lai.
Cùng với thành tích HCV 100m vượt rào nữ của Bùi Thị Nguyên, thành tích của Linh Na là một trong những điểm nhấn của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.
Linh Na trải lòng sau tấm HCV SEA Games lịch sử rằng: “Tôi rất khó tả cảm xúc của mình. Lần đầu tiên khi tham dự SEA Games mà phá sâu kỷ lục cá nhân tôi đề ra, không biết diễn tả nó như thế nào.
So với thi đấu ở nước ngoài thì việc thi trong nước có ít áp lực hơn. Tôi chạy mà nghe tiếng hô, cổ vũ của CĐV nhà thì có động lực để tiếp sức cho mình cố gắng chạy tốt hơn.
Các anh chị đi trước bảo môn thi này mệt lắm nhưng nó hợp với tôi, vì tôi thấy chơi nhiều môn một lúc đỡ nhàm chán hơn chỉ tập một môn.
Tôi cũng không có nhiều điểm mạnh ở môn nào, đó là điểm yếu của tôi. Tôi tập một môn cũng khó có thể thành tích cao được nên tôi chọn 7 môn phối hợp.
Trước khi thi SEA Games này thì tôi được thi đấu vài giải với các bạn nước khác rồi, giải năm nay thì tôi đặt mục tiêu cao, rất tâm huyết đầu tư thì mới chiến thắng được các bạn khác”.
Linh Na chia sẻ thêm về hành trình vượt khó ở môn thể thao khắc nghiệt này: “Trong quá trình tập luyện, tôi gặp nhiều chấn thương, từ năm 2020 tôi đã phải lên bàn mổ do chân có thể bị hoại tử một nửa cơ đùi sau.
Tôi đã nghĩ đến việc dừng nghiệp thể thao ở đây, nhưng ý chí của tôi không cho phép điều đó và tôi đã cố gắng trở lại để có được ngày hôm nay”.
“Với thầy của tôi là HLV Vũ Văn Huyện đã được xem là “người thép” của Việt Nam từ lâu rồi. Thầy có kinh nghiệm, kỹ thuật truyền đạt lại cho tôi để đạt kết quả hôm nay”, Linh Na nói về người thầy huyền thoại của mình ở làng điền kinh nước nhà.
HLV Vũ Văn Huyện cho biết: “Kết quả hôm nay thì như vậy là xuất sắc rồi. Linh Na lần đầu tiên dự SEA Games, phá kỷ lục của chị Thu Cúc từ năm 2005 đến bây giờ.
Linh Na có người có ý chí tốt, thi đấu các nội dung phối hợp rất hợp. 7 môn phối hợp diễn ra 2 ngày liên tiếp nên các VĐV dễ mệt mỏi, phải cần thể lực, thể hình ý chí tốt mới có thể thi đấu được. Quá trình chuẩn bị SEA Games 31 thì khó khăn nhiều lắm. Thầy trò ít được tập luyện, đi tập huấn.
Các đối thủ Philippines rất mạnh ở môn này. Năm 2019 cô ấy từng giành HCV SEA Games. Động lực với Linh Na để đạt kết quả này theo tôi là do lần đầu dự SEA Games nên tinh thần em tốt, lại được sự ủng hộ của đơn vị cũng như gia đình”.
Việt Hà
Tags