Điền kinh Việt Nam hướng đến ASIAN Games 17: 'Nữ hoàng' cũng 'khóc'!

Thứ Tư, 17/09/2014 12:02 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Được mệnh danh là môn thể thao nữ hoàng vì chỉ xếp sau môn thể thao vua - bóng đá, nhưng thực tế là giữa điền kinh với bóng đá vẫn còn khoảng cách không dễ gì san lấp về mức độ quan tâm cũng như đầu tư. ASIAN Games này cũng như các kỳ Đại hội thể thao quốc tế khác, “nữ hoàng” lại phải thở dài!

1. Sau gần 1 năm im hơi lặng tiếng từ 2 tấm HCV SEA Games 27, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương mới trở lại ở 2 giải đấu TP.HCM và Singapore mở rộng. Những chấn thương trước đó có vẻ không ảnh hưởng nhiều đến “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam.

Bằng chứng là việc Hương đã đăng quang thuyết phục ở cả 2 giải đấu mà cô tham gia. HLV Nguyễn Đình Minh cho biết: “Những giải đấu TP.HCM và Singapore mở rộng là để Vũ Thị Hương tăng khối lượng vận động và làm quen với áp lực tâm lý nhằm chuẩn bị tốt nhất cho ASIAN Games 17. Dù không đặt nặng chỉ tiêu nhưng Vũ Thị Hương đã làm rất tốt. Hiện tại, Hương đang nằm trong tốp 10 VĐV hàng đầu châu lục”.

Dù có thành tích khả quan trước thềm giải đấu lớn, nhưng vẫn có những lo ngại nhất định cho cô gái sinh năm 1986. Đầu tiên là chuyện kinh phí. Như đã biết, do khó khăn về kinh phí và những chuyện lùm xùm về việc thiếu hiệu quả khi tập huấn nước ngoài của đội tuyển điền kinh QG, Vũ Thị Hương năm nay không hề được đi tập huấn dù là VĐV trọng điểm thể thao Việt Nam.

HLV Nguyễn Đình Minh cho biết: “Điều đó thực sự là một khó khăn. Vũ Thị Hương gặp chấn thương không phải là lý do Hương không được đi tập huấn vì lâu nay chấn thương không nặng thì cũng nhẹ. Do không được đi tập huấn hay đi cọ xát nên khó bảo đảm phong độ của Hương khi vào giải đấu chính. Một buổi thi đấu có khi nặng nhọc hơn 3 buổi tập”.

2. Vũ Thị Hương cũng thừa nhận chuyện không được đi tập huấn nước ngoài hay được sớm lên đường đến Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến chuyên môn của cô. Hương cho biết: “Có khá nhiều khó khăn trong thời gian tôi chuẩn bị cho ASIAN Games 17. Ngoài việc không được đi tập huấn, tham gia giải quốc tế, tôi chỉ được sang Hàn Quốc sớm trước 3 ngày chuẩn bị cho giải. Thời gian đó là không đủ để một VĐV làm quen với điều kiện khí hậu, thức ăn, sinh hoạt… Dù vậy, đến thời điểm này rồi thì tôi cũng phải cố gắng gạt bỏ tất cả để tập trung hoàn toàn vào chuyên môn”.

So với những thành tích mà Vũ Thị Hương đã đạt được trong quá khứ thì 4 tấm HCV của cô tại giải điền kinh quốc tế TP.HCM và Singapore mở rộng mới đây còn kém khá xa. Thành tích tốt nhất năm nay của Vũ Thị Hương được ghi nhận ở giải TP.HCM, khi cô đạt 11”81 ở cự ly 100m, kém kỷ lục quốc gia 11”31 của chính cô.

Còn trên đường chạy 200m, Vũ Thị Hương có thành tích 23”92, kém kỷ lục quốc gia do cô thiết lập 23”27. Trong tốp 10 VĐV hàng đầu châu lục hiện tại, Vũ Thị Hương đứng hạng 10 ở 2 nội dung sở trường. Cô sẽ vất vả cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu châu lục trên bảng xếp hạng của Liên đoàn điền kinh châu Á đến thời điểm hiện tại là Wei Yongli (Trung Quốc) với thành tích 11”29, Chisato Fukushima (Nhật Bản) 11”38, Olga Safronova (Kazakhstan) 11”42.

Sẽ rất khó khăn cho Vũ Thị Hương trên đường chạy 100m. Bản thân cô cũng thừa nhận tại ASIAN Games 17 tới đây, chủ yếu cô sẽ hướng đến mục tiêu ở nội dung 200m. Nội dung này cũng phải chịu sự cạnh tranh của 3 cái tên đã nêu ở trên, chỉ thay đổi ở thứ hạng. 2 người có thành tích tốt nhất là 2 VĐV cùng sinh năm 1991, Olga Safronova và Yongli, đều có thành tích 23”21. Kém hơn một chút là VĐV sinh năm 1988 Fukushima (23”25). So về sức trẻ, các VĐV kể trên đều lợi thế hơn cô gái gốc Thái Nguyên.

Đó đều là những thành tích mà các VĐV này thiết lập cách đây 1 năm. Dẫu vậy, dường như HLV Nguyễn Đình Minh và Vũ Thị Hương đã có những tính toán hợp lý trong tập luyện để mạnh dạn đặt chỉ tiêu có huy chương lần này.

Vũ Thị Hương cho biết: “Trên đường chạy, Hương chẳng sợ đối thủ nào và cứ phấn đấu hết khả năng. Đã là VĐV thì ai cũng muốn chinh phục tấm huy chương cao quý nhất. Và Hương sẽ cố gắng để đền đáp sự mong đợi của người yêu thể thao nước nhà”.

3. Không chịu áp lực như Vũ Thị Hương, Trần Huệ Hoa là một niềm hy vọng khác của thể thao Việt Nam. Cũng như người đồng đội ở ĐTQG, Trần Huệ Hoa đã có liên tiếp 2 HCV ở TP.HCM và Singapore tại nội dung sở trường nhảy 3 bước.

Thứ hạng hiện tại của Huệ Hoa trên bảng tổng sắp của Liên đoàn điền kinh châu Á là 7. Cô gái TP.HCM đạt thành tích 14m12 tại Myanmar năm ngoái. Ở giải điền kinh Singapore gần nhất, Huệ Hoa chỉ có thành tích 13m80.

Những VĐV mà Huệ Hoa có lý do để lo ngại là Xie Limei (Trung Quốc, 14m39), Li Yanmei (Trung Quốc, 14m35), Irina Ektova (Kazakhstan, 14m23)… Huệ Hoa cho biết: “Những VĐV xếp trên tôi vẫn còn rất trẻ và họ là những đối thủ đáng nể. Trong tập luyện, tôi đã cải thiện được thành tích của mình và hy vọng có huy chương không phải là không có với tôi”.

“Vấn đề là áp lực tâm lý”

Ông Mai Bá Hùng, Phó GĐ Sở VH, TT&DL TP.HCM, phó trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAN Games 17, cho biết: “Lực lượng VĐV ở TP.HCM tham dự ASIAN Games 17 gồm 49 người. Trong đó có 1 lãnh đạo đoàn, 1 bác sĩ, 2 lãnh đội (ông Trương Ngọc Để môn taekwondo và ông Phạm Quang Chánh môn bowling), 4 chuyên gia, 4 trọng tài, 7 HLV và 30 VĐV. Các môn thể thao mà TP.HCM có VĐV tham gia gồm điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, đấu kiếm, cử tạ, xe đạp, cầu lông, soft tennis, bowling, golf, bóng đá nữ. 3 môn bóng mềm, golf và bowling đi theo dạng xã hội hóa.

Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là đóng góp ít nhất 1 tấm HCV vào mục tiêu 2 đến 3 tấm HCV của thể thao Việt Nam tại Á vận hội lần này. Lực lượng VĐV của TP.HCM được xếp vào loại tinh nhuệ, được tập huấn thi đấu từ năm 2013 để chuẩn bị cho ASIAN Games 17.

Những nội dung có khả năng đạt được huy chương cao gồm cử tạ với niềm kỳ vọng Thạch Kim Tuấn, điền kinh với Vũ Thị Hương và Trần Huệ Hoa, taekwondo của Lê Huỳnh Châu và Nguyễn Văn Duy. Các VĐV đã sang Hàn Quốc trước từ 3 đến 5 ngày để làm quen với điều kiện thi đấu ở đây”.

Vấn đề lớn nhất với các VĐV lúc này theo ông Hùng chính là tâm lý. “Tới thời điểm này, các em VĐV đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đạt thành tích khả quan. Nhưng đấu trường ASIAN Games có tới 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia nên sẽ rất khó khăn. Áp lực cho các VĐV rất lớn nên nếu các em giải quyết được vấn đề tâm lý, khắc phục được sự tự ti, mặc cảm, không e sợ đối thủ thì tôi tin khả năng các em sẽ thành công cao”, ông Hùng cho biết.


Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›