Diễn viên Ngô Thanh Vân làm từ thiện: Đừng 'vơ đũa cả nắm'

Thứ Sáu, 27/05/2016 08:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 19h ngày 27/5 tại Gem Center (TP.HCM) diễn ra đêm nghệ thuật - ẩm thực Vết sẹo cuộc đời lần thứ 6, nhằm quyên góp tiền để phẫu thuật tim cho trẻ em. Đây là chương trình do diễn viên Ngô Thanh Vân điều phối, đã đem lại trái tim khỏe mạnh cho hơn 1.000 trẻ em. Thế nhưng đây đó vẫn có những ý kiến cho rằng diễn viên này làm vậy là để mua danh, để đánh bóng tên tuổi.

Việc làm thiện nguyện của những người nổi tiếng, các ngôi sao trong giới showbiz khá nhiều và vô tư với lòng thiện nguyện. Đâu đó cũng có trường hợp lợi dụng công việc từ thiện: làm qua loa lấy lệ, chủ yếu để đánh bóng tên tuổi, hoặc thậm chí tư lợi, nhưng đó vẫn chỉ thuộc số rất ít, không phổ biến, có thể nói là cá biệt.

Sau 5 lần tổ chức, những chương trình quy mô như Vết sẹo cuộc đời cho thấy sự nghiêm túc, không phải ai cũng làm được. Chi phí phẫu thuật tim rất cao, thường vượt quá khả năng của rất nhiều gia đình Việt Nam. Cho nên, những người như Ngô Thanh Vân phải có quyết tâm rất lớn thì 1.000 trái tim mới được phẫu thuật. 1.000 trái tim là 1.000 cơ hội cuộc đời, và biết đâu, trong đó có thêm những tài năng xuất hiện.


Chương trình “Vết sẹo cuộc đời” thu về hơn 3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền dùng để cho các cuộc phẫu thuật với mỗi ca trị giá 1.000 USD.

Những việc làm hiệu quả như của Ngô Thanh Vân, của NSND Kim Cương, diễn viên Chi Bảo và rất nhiều nghệ sĩ khác cho thấy người nổi tiếng có ưu thế của mình trong việc này. Họ dùng sự ảnh hưởng rộng lớn của mình để huy động tài lực, vật lực, sức lực, tâm lực… trong cộng đồng, để kêu gọi sự hưởng ứng, tương trợ. Nhờ uy tín “là người của công chúng”, nên phần lớn những người hưởng ứng sự kêu gọi của họ cũng là những người có thiện cảm, tôn trọng danh tiếng của họ.

Nếu không nhờ tiếng tăm và uy tín của bản thân, NSND Kim Cương khó mà quyên góp nhiều chục tỷ đồng để làm nhiều chương trình thiện nguyện khác nhau, ví dụ gần đây là 100 suất mổ mắt cho người nghèo. Cũng tương tự, Ngô Thanh Vân sẽ khó vận động phẫu thuật hơn 1.000 trái tim; và Chi Bảo cũng khó điều hành Quỹ Hiểu về trái tim, nơi đã quyên góp vài chục tỷ đồng cho phẫu thuật tim, bảo trợ trẻ em, xây nhà nhân ái, huấn luyện kỹ năng sống…

Con số trên đây cũng ấn tượng tương tự như hơn 20.000 trẻ em bị bệnh hở môi, rách vòm miệng được chương trình Vì nụ cười trẻ thơ hỗ trợ chi phí phẫu thuật từ năm 1997 đến nay.

Nhưng vì sao người nổi tiếng làm thiện nguyện lại được nhiều người biết, bị để ý, thậm chí soi mói? Tất nhiên vì họ nổi tiếng. Đôi khi cũng vì hoàn cảnh làm trung gian khá tế nhị, họ nhận sự ủy thác, ủng hộ của nhiều người để đi trao, muốn minh bạch thì phải công khai việc làm của mình. Vì vậy, họ chấp nhận những thị phi, gièm pha (nếu có) để công việc được minh bạch, được tiếp tục dài lâu.

Cho nên, với những người thật tâm làm việc thiện nguyện, những nghi vấn về việc tư lợi, về việc đánh bóng tên tuổi là một sự tổn thương đối với công sức, tấm lòng của họ. Việc thiện nguyện không phải ai muốn cũng làm được, cho nên chúng ta hãy có cái nhìn bao dung, nhân bản hơn, để động viên họ tiếp tục công việc vốn không hề dễ dàng gì.

Bởi cuộc sống đang cần nhiều hơn nữa những cống hiến trên lĩnh vực thiện nguyện. Để nhiều mảnh đời cơ cực, bất hạnh có được niềm hạnh phúc, được cải thiện thực trạng một cách đáng kể, hoặc ít lắm, là sự chia sẻ rất đáng trân trọng.

Hơn nữa, cuộc sống thiện ác, thật giả luôn song hành, đôi khi phải biết gạn đục khơi trong để tìm kiếm năng lượng tích cực, cái nhìn lạc quan. Đôi khi phải nhìn đến mục đích, đến cứu cánh mà tạm quên đi các phương tiện.

Còn nếu biết chắc ai đó mượn chuyện thiện nguyện, bố thí, giúp người để làm việc không tốt lành thì chúng ta cũng phải dũng cảm đấu tranh, phê phán. Nếu không thì rất dễ rơi vào tình trạng “vơ đũa cả nắm”, làm mất nhuệ khí, tấm lòng của người cho, rồi làm tổn thương, thiệt thòi với người nhận.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›