"Lúc đó tôi lại một lần nữa phải suy nghĩ nhưng trong hoàn cảnh đó, ai cũng như mình, ai cũng điêu đứng, ai cũng phá sản giống mình, nhiều người còn khổ hơn", Quốc Cường chia sẻ.
Quốc Cường là một trong những diễn viên được đánh giá có thực lực trong làng phim Việt. Dù tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, từng có 10 năm theo nghề người mẫu trước khi bén duyên với điện ảnh nhưng 20 năm làm nghề, Quốc Cường sở hữu hàng trăm vai diễn từ chính diện đến phản diện và ghi dấu ấn bằng tài năng hóa thân xuất sắc của mình.
Nghe Quốc Cường nói về nghề thấy ánh mắt anh hăng say và nụ cười gần như thường trực dù nghề này còn lắm nỗi gian nan và cả những góc khuất không dễ gì tỏ bày.
Nghỉ đóng phim vài năm, điêu đứng, phá sản trong dịch bệnh
Anh nghĩ sao khi có người nói gương mặt của anh, đóng vai hiền lành, chất phác, khổ khổ chút cũng ra mà đóng vai đểu giả, bạc tình cũng ra và làm khán giả tin đó là nhân vật chứ không phải Quốc Cường?
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ lại lúc đóng "Dốc tình". Tôi cast một vai khác nhưng đúng ngày ê-kíp lên Đà Lạt quay thì đạo diễn Lưu Trọng Ninh và anh K'Linh quyết định thay đổi vai của tôi, đó là vai mà mọi người thấy trong phim.
Xong phim, anh Lưu Trọng Ninh nói với tôi: 'Chú có lợi thế rất mạnh, chú cười một cái, người ta tin chú là người hiền. Khi chú không cười, chú trừng mắt là con người hoàn toàn khác. Đó là lợi thế rất lớn của một diễn viên'.
Sau này tôi dùng những lợi thế đó để làm nghề. Trong "39 độ yêu", tôi cũng đóng một vai kiểu như vậy, lúc đầu nhìn có vẻ tốt lắm nhưng lật mặt ở phút cuối. Và khi có người nào đó nói, tin tôi ở vai diễn này thì đó là điều rất vui và mình cũng phải trau dồi thêm để có nhiều lợi thế hơn trong nghề nghiệp.
Làm nghề mấy chục năm, có giai đoạn nào khó khăn với anh không?
Đó là giai đoạn chuyển giao, đang từ người chuyên đóng vai chính, thứ chính là thanh niên chuyển sang dạng vai cha, chú... Mình rơi vào cảm giác chưa chấp nhận được nên bị suy nghĩ rất nhiều, có nên tiếp tục nghề này không, hay là làm một công việc khác.
Kịch bản thường tập trung cho vai chính nên dạng vai cha, chú phải may mắn lắm mới có vai tính cách. Và khi tôi nhận được vai như vậy thì nhiều khán giả bình luận, góp ý làm mình buồn vì chính họ cũng chưa chấp nhận được.
Trong giai đoạn đó, tôi không nhận phim mấy năm. Tôi chuyển qua kinh doanh lẩu gà lá é. Qua công việc khác, tôi cũng đầu tắt mặt tối, không còn quan tâm đến những lời mời đi phim nữa vì đi phim thì không ai quản lý quán.
Cho tới khi bùng dịch covid là năm 2020, quán phải đóng cửa. Lúc đó tôi lại một lần nữa phải suy nghĩ nhưng trong hoàn cảnh đó, ai cũng như mình, ai cũng điêu đứng, ai cũng phá sản giống mình, nhiều người còn khổ hơn.
Được cái, tôi nghĩ tích cực rất nhanh, giống như mình chơi cờ thua thì chơi lại, mất rồi thì làm lại từ đầu nên tôi quay lại đóng phim. Năm 2020, dịch chưa bùng diện rộng, cũng chưa quá nặng nề nên đoàn phim vẫn đi quay được, dính dịch thì nghỉ, sau đó quay tiếp. Năm đó, tôi được mời tham gia 3 phim điện ảnh, thậm chí đi quay cả bên Mỹ.
Cuộc sống của tôi kỳ lạ lắm, có những cái mình không biết trước được. Cứ đang khó khăn thì lại có cánh cửa khác mở ra. Từ lúc ở Mỹ là tôi đã được mời tham gia 2 phim truyền hình nữa. Xong hai phim đó, tôi quay "Lật Mặt" của anh Lý Hải.
Bị lợi dụng sẽ không làm
Tôi đã gặp rất nhiều diễn viên than thở về chuyện bị "giật" cát-xê. Anh làm nghề 20 năm đã từng gặp tình huống như vậy?
Cũng có chứ. Thực ra, tôi không phải là người trọng tiền bạc nhưng họ phải hiểu giá trị của tôi đang ở đâu. Nếu nhà sản xuất hiểu giá trị của tôi, tôn trọng tôi thì khi họ khó khăn, tôi sẵn sàng chia sẻ, không khăng khăng bảo vệ đúng giá cát-xê. Bởi việc nói thẳng sẽ giúp chúng ta không lăn tăn về tiền bạc. Quay phim mà lăn tăn về tiền bạc thì khó làm tốt được.
Cũng có nhà sản xuất giấu đi khó khăn, hoặc có vốn 50 mà làm tới 100 rồi nên mới có tình huống thiếu lương, thiếu nợ. Hồi xưa, ký hợp đồng xong là diễn viên được nhận 30% lương, còn bây giờ, diễn viên nhận phim là bỏ tiền túi ra đầu tư phục trang mọi thứ, không nhận được bất cứ đồng nào trước.
Đó là điều mà các nhà sản xuất nên suy nghĩ. Nếu họ đủ lực để làm một bộ phim thì hẵng làm, nếu không sẽ rất tội diễn viên. Diễn viên còn trang trải được từ chỗ này chỗ khác nhưng anh em ê-kíp thì khổ và thương lắm. Họ phải đổ xăng đi làm, vợ con, gia đình đều trông vào đồng lương đó mà không được trả thì họ làm sao?
Anh em nghệ sĩ rất tình cảm. Nếu nhà sản xuất khó khăn mà trình bày tử tế, hợp lý thì mọi người chia sẻ hết chứ không ai làm cho nhà sản xuất khó khăn thêm. Nếu họ có "cứng" cũng là để nhà sản xuất tìm cách thôi.
Không chỉ phim truyền hình mà phim điện ảnh cũng vậy. Có những nhà sản xuất liều lĩnh lắm. Liều mà may thì không sao nhưng nếu không may thì mất hết, danh dự, lòng tự trọng và bào nhiêu con người bị ảnh hưởng.
Lương diễn viên 10 năm trước và bây giờ không khác nhau là mấy, trong khi giá cả thị trường đã khác rất nhiều. Anh vun vén thế nào với mức lương đó để không phải làm thêm công việc gì khác?
Thật ra, lương không lên nhưng cũng không xuống. Tiền trượt giá mình cũng vẫn chấp nhận được, đó là một cách chia sẻ với nhà sản xuất. Bởi vì ai cũng hiểu, trong giai đoạn kinh tế khó khăn nên mọi người chấp nhận và cân chỉnh trên từng vai diễn, chứ không khăng khăng giữ giá.
Rất tội cho những bạn cát-xê không quá cao mà vai diễn không quá nhiều. Bản thân tôi có những lúc cũng đóng vai 20, 30 phân đoạn, đóng xong cũng hết tiền. Mình tham gia cho vui với đạo diễn, nhà sản xuất, mình nhận vì hợp vai diễn thôi.
Tuy nhiên, đổi lại, tôi cần được tôn trọng. Mình đi làm vì tiền nhưng tôi biết giá trị của mình ở đâu. Nếu nhà sản xuất có kinh phí mà giả vờ khó khăn để lợi dụng, giảm lương của tôi xuống khi biết tôi hợp vai, thích vai thì chắc chắn tôi không nhận. Và cũng sẽ không bao giờ tôi hợp tác với đơn vị đó nữa.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Tags