(Thethaovanhoa.vn) - Trọng Hiếu bước chân vào nghệ thuật đã hơn 20 năm, vào hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, được đánh giá là diễn viên có nội lực, nhưng rớt vào tình cảnh khán giả thường nhớ vai diễn nhưng ít nhớ nghệ danh. Ngoài diễn xuất, trong giới lồng tiếng phim Việt Nam, Trọng cũng là một tên tuổi hàng đầu.
Đạo diễn Trần Cảnh Đôn qua đời đột ngột, để lại một kịch bản dang dở tên là Hoa sơn trà. Từ trước tới giờ, Trần Trọng Hiếu luôn từ chối các lời đề nghị làm trợ lý cho người chú tài hoa Trần Cảnh Đôn, nhưng lần này anh quyết tâm hoàn thành bộ phim trong tư cách phó đạo diễn.
Tốt nghiệp thủ khoa
Ông bà nội của Hiếu người Hưng Yên, nhưng anh sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Ngày nhỏ, do bố mẹ ly hôn, nên anh được bà nội cưu mang, sống chung nhà với chú Trần Cảnh Đôn.
Lúc Trần Cảnh Đôn theo học Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, Hiếu còn là học sinh tiểu học. Ngày ấy, Hiếu đá bóng rất giỏi nên từng mơ mộng mình sẽ thành cầu thủ. Về sau, đạo diễn Trần Cảnh Đôn bắt đầu nổi danh từ vở kịch Những cuộc phiêu lưu của tâm hồn tại sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. Rồi tiếp tục thành công vang dội với phim nhựa Ngọc trong đá, làm với Hãng phim Trẻ, góp phần đưa Việt Trinh, Việt Anh, Lý Thu Thảo lên hàng ngôi sao điện ảnh Việt Nam…
Không lâu sau, Trần Cảnh Đôn đạo diễn các phim ca nhạc của Mưa bụi, tạo nên hàng loạt ngôi sao ca nhạc lẫn cải lương như Đình Văn, Lam Trường, Kim Tử Long. Đến lúc này, Trọng Hiếu mới chú ý đến nghề diễn viên.
Vì vậy, Hiếu tình nguyện đi làm diễn viên quần chúng cho các show diễn, hoặc các bộ phim do chú Đôn làm đạo diễn. Thời gian rảnh, Hiếu nghiền ngẫm các tư liệu nghệ thuật mà chú Đôn mang về nhà. Đến ngày Hiếu tốt nghiệp trung học, chú Đôn gợi ý cháu trai thi vào trường nghệ thuật. Hiếu đồng ý. Thi lần đầu rớt. Năm sau, thi lại đậu và học chung khóa 18 với Tiết Cương, Việt Hương, Thúy Nga, Cao Minh Đạt, Hạnh Thúy… tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Vốn dĩ không mê nghệ thuật từ nhỏ, nên thời gian đầu vào học, Hiếu không đam mê. Nhưng sang năm thứ 2, Hiếu bắt đầu say sưa được hóa thân vào số phận các nhân vật. Anh sáng tạo lối diễn và cách biểu đạt cảm xúc. Anh tốt nghiệp thủ khoa, nhưng sau đó, anh bước vào một giai đoạn bấp bênh. Các bạn diễn dần nổi tiếng, còn anh vất vả tìm vai diễn, nhưng chưa bao giờ Hiếu cầu xin chú ruột tạo điều kiện cho mình được một vai lớn, như kiểu lăng-xê gà nhà.
Giỏi nghề ngưng không nổi danh
Trọng Hiếu loay hoay tìm cơ hội, ít lâu, anh đầu quân về làm diễn viên hợp đồng cho Nhà hát Kịch TP.HCM. Thời điểm này, nhà hát phục vụ văn nghệ phong trào cho bà con vùng sâu, vùng xa nên anh làm việc rất lặng lẽ. Rồi anh được giới thiệu đến một nhóm nghệ sĩ lồng tiếng cho phim bộ Hong Kong (Trung Quốc). Anh thử việc một tuần, bị từ chối vì trưởng nhóm kết luận anh không có khiếu với nghề. Hiếu tiếp tục được giới thiệu qua nhóm lồng tiếng Mộng Vân. Anh học nghề một thời gian, thì được trọng dụng. Khởi đầu, Hiếu được lồng tiếng quần chúng. Sau lên vai phụ. Cuối cùng, anh được tín nhiệm lồng cho các vai nam chính của phim truyền hình Việt Nam.
Trọng Hiếu càng làm càng mê, thăng hoa, nhập tâm đến mức miên man sống trong thế giới của nhân vật. Nhưng đến một ngày, anh thấy mình bị bão hòa. Anh kể: “Những ngày đầu tôi bước vào nghề lồng tiếng, diễn viên bắt buộc phải có nhiều kỹ năng như nháy khớp khẩu hình diễn viên, chất giọng biểu cảm phù hợp với độ tuổi và tính cách nhân vật. Trong một ê-kíp, chỉ một người làm sai là toàn bộ phải làm lại. Những yêu cầu khắt khe làm chúng tôi không ngừng phấn đấu, quý trọng nghề mình đang làm. Về sau, kỹ thuật phát triển tối tân, nghề lồng tiếng bắt đầu có những dễ dãi. Tôi thấy hụt hẫng”.
Thế là Hiếu muốn trở lại nghề diễn viên. Tình cờ Hiếu gặp đạo diễn Lê Quang Hưng từ Hà Nội vào làm phim cho Hãng phim Lasta, đơn vị tiên phong làm phim thu tiếng trực tiếp. Hiếu tham gia tuyển vai và được chọn vai thứ chính trong phim Quán kem tình nhân. Phim thành công bất ngờ. Kể từ đó, Hiếu liên tục được các đạo diễn mời gọi. Dù ngoại hình không đẹp, nhưng nhờ khả năng diễn như thật, nên anh được chọn vào vai chính trong phim Dâu trăm họ. Anh còn thành công với vô số những vai diễn khác.
Ấn tượng trong kỹ năng diễn xuất của anh là có thể đóng vai già, vai trẻ, tính cách hiền lành, phản diện và cả hài hước. Dù diễn xuất đa dạng, nhưng hình như tổ nghiệp đã xếp anh vào nhóm diễn viên giỏi nghề mà không nổi danh. Dẫu vậy, Trọng Hiếu không chạnh lòng, mà còn cảm thấy an ủi. Bởi vì anh quan niệm, chỉ khi diễn viên hóa thân như thật vào vai diễn thì khán giả mới nhớ tới nhân vật, mới quên luôn tên nghệ sĩ.
- Đạo diễn Trần Cảnh Đôn - hai cá tính trong một diện mạo
- “Kỷ lục” kỳ dị của Trần Cảnh Đôn
- Đạo diễn Trần Cảnh Đôn: Sóng gió thương trường
Trong thời gian Trọng Hiếu bôn ba mưu sinh, anh vài lần về đầu quân cho chú ruột Trần Cảnh Đôn trong vai trò diễn viên. Nhiều lần, đạo diễn Cảnh Đôn đề nghị anh làm phó đạo diễn, vì anh đã làm tốt vai trò này cho các đạo diễn khác, nhưng Hiếu luôn từ chối. Lý do là vì anh có chính kiến, sợ bất đồng, dẫn đến sứt mẻ tình cảm gia đình.
Giờ đây, khi đạo diễn Trần Cảnh Đôn nằm xuống, ngay trước khi chuẩn bị bấm máy phim Hoa sơn trà, Trần Trọng Hiếu lại tình nguyện hoàn thành ý nguyện của chú bằng cách chung vai cùng đạo diễn Hà Sơn để hoàn thành phim này. Anh hy vọng sự gần gũi lâu dài với Trần Cảnh Đôn sẽ giúp anh đưa được một phần cá tính của chú ấy vào phim, để cùng đạo diễn Hà Sơn làm cho bộ phim đặc biệt hơn. “Tôi sẽ nỗ lực hoàn thành tâm huyết còn lại của chú Trần Cảnh Đôn” - Trần Trọng Hiếu nói. Nên phim Hoa sơn trà hứa hẹn sẽ là món quà ý nghĩa gửi đến người chú kính mến, giờ đang ở bên kia thế giới.
Nguyễn Huy
Tags