(Thethaovanhoa.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải đã rất khẩn trương chuẩn bị các phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta có khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra, Chính phủ quyết tâm thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, với tinh thần quyết liệt, minh bạch, không tham nhũng, lãng phí, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Hệ thống giao thông của Việt Nam ngày càng được hiện đại hóa. Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: Dân trí
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam thành 6 - 10 làn xe cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước; thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch.
Về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến, các đoạn sẽ được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020 theo quy mô Quy hoạch đã được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án; giao Bộ Giao thông vận tải lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ định thầu tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế theo quy định; Bộ Giao thông vận tải tổng hợp vào cơ chế, chính sách đầu tư chung để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh, trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được duyệt.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tư vấn chủ động lập các dự án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư dự án, trên tinh thần chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, nhưng cần tạo động lực thu hút đầu tư, trình Chính phủ quyết định; đưa vào nội dung tờ trình Quốc hội xin quyết định chủ trương đầu tư đối với các cơ chế vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án theo đúng quy định.
TTXVN
Tags