Là một nhà thơ hiện thực lừng danh thế giới, việc Neruda đột ngột ra đi vào ngày 23/9/1973, chỉ hai tuần sau cuộc đảo chính của độc tài quân sự Augusto Pinochet đã để lại nhiều nghi vấn trong lòng những người mến mộ và theo đuổi lý tưởng cánh mạng không chỉ tại Chile mà tại khắp khu vực Mỹ Latinh.
Báo cáo mới công bố của Bộ Nội vụ Chile tái khẳng định tiền sử ung thư tiền liệt tuyến của đại thi hào từng đoạt giải thưởng Nobel Văn học năm 1971, nhưng khẳng định việc chính phủ độc tài không thực hiện các quy trình y học cần thiết sau cái chết của ông cho thấy "nhiều khả năng có sự can thiệp từ bên ngoài”.
Theo giả thuyết mới được các nhà điều tra Chile đưa ra, nguyên nhân thật sự dẫn tới cái chết của Neruda không phải là căn bệnh ung thư mới được phát hiện trước đó ít lâu, mà có thể do bị người ngoài tiêm một số chất chưa xác định vào dạ dầy.
Một chi tiết khác làm tăng khả năng ông bị sát hại là việc ông mất chỉ một ngày trước khi lên đường di cư sang Mexico theo lời mời trước đó để tiếp tục lãnh đạo phong trào phản kháng thế lực độc tài.
Do là nhân vật nổi tiếng thế giới, nên thời điểm đó, Neruda không chịu cảnh tù đày hoặc bị sát hại công khai như một số lãnh đạo Đảng Cộng sản khác. Tuy nhiên, trước lúc mất, ông gần như bị giới quân sự quản thúc tại gia.
Trước đây, ông Manuel Araya, lái xe riêng của nhà thơ Neruda, đã nhiều lần khẳng định rằng ông bị các mật vụ của chế độ độc tài cải trang thành bác sĩ tiêm một chất độc chết người, song các cuộc điều tra đều chưa chứng minh được giả thuyết này.
Thi sĩ – chiến sĩ cách mạng Pablo Neruda được nhiều người nhìn nhận là nhà thơ vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của các nước nói tiếng Tây Ban Nha và được các dân tộc Mỹ Latinh tôn vinh vì trí tưởng tượng mãnh liệt, chất trữ tình sâu sắc, luôn nêu cao lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và hòa bình thế giới.
TTXVN
Tags