Sáng 3/3, đã diễn ra buổi tọa đàm “Thú chơi sách cũ: Định giá như thế nào?” trong khuôn khổ Ngày hội sách cũ TP.HCM 2017. Nhà báo Lê Minh Quốc, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường làm diễn giả.
Từ phải sang: MC - nhà văn Trần Nhã Thụy và các diễn giả: Trương Ngọc Tường, Lê Minh Quốc, Trần Nhật Vy
Những năm gần đây, phong trào chơi sách cũ diễn ra khá sôi nổi, có thể tìm mua sách cũ ở những con đường nổi tiếng của Sài Gòn như Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Đường sách Nguyễn Văn Bình hay các ngày hội sách cũ được tổ chức gần đây ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế…
Một độc giả chọn mua sách cũ
Tuy nhiên, thế nào là sách cũ và sách cũ có giá trị bao nhiêu về vật chất, về tinh thần là những vấn đề không phải ai cũng biết.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (Tiền Giang) là chủ nhân của nhiều bộ sách cũ quý hiếm cho rằng, sách cũ xưa và quý hiếm là những sách trước năm 1975, đặc biệt là giai đoạn 1930 - 1945 được in trên giấy dó.
Rất nhiều sách cũ được bày bán trong Ngaỳ hội sách cũ lần này là sách quý hiếm
Còn nhà thơ Lê Minh Quốc lại cho rằng, khái niệm thời gian chỉ mang tính tương đối: “Những cuốn sách mang tính quý hiếm đơn giản vì mình chưa thấy. Sau đó là các yếu tố năm in, trang bìa, có thủ bút của tác giả hay có phải là độc bản hay không…”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, mỗi cuốn sách có một số phận, cuộc đời riêng của nó. Nhìn vào một cuốn sách có thể thấy được một giai đoạn lịch sử. Trước năm 1975 in khác, thời bao cấp in khác bây giờ in khác. Trong sách có những trí thức mà mình đọc có thể áp dụng cho hiện tại. Như nhiều cuốn sách in năm 1945, vào năm chết đói đó sách vẫn in nhưng giấy nhìn thảm lắm.”
Người nước ngoài cũng quan tâm đến sách cũ
Trước câu hỏi của MC - nhà văn Trần Nhã Thụy: “Điều thú vị mà những người chơi sách cũ có được, khác với các thú sưu tầm khác như thế nào?”, Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, cho biết: “Tôi không phải dân chơi sách cũ. Trong cuộc sống, có nhiều lựa chọn, còn tôi chọn chơi sách cho an toàn. Thứ hai, so với chơi đồ cổ thì chơi sách cũ rẻ tiền hơn. Chơi đồ cổ nhiền tiền lắm, chưa kể có cả đồ giả này kia mà mình không đủ trình độ để thẩm định nó. Sợ tiền mất tật mang rồi bị nhiều thứ khác nữa, thậm chí còn bị vợ la. Thành thử mình đọc sách cho nó an toàn, đối với sách, mình biết nhiều hơn; quan trọng là đọc sách hay mua một cuốn sách cũ ít có bị vợ la!”.
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy (phải) và Lê Minh Quốc vẫn rất ngạc nhiên trước nhiều cuốn sách cũ hai ông lần đầu nhìn thấy
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy nói thêm: “Tôi chỉ mua những cuốn sách nào mình thực sự quan tâm. Tôi thường nghiên cứu về Sài Gòn, về báo chí quốc ngữ và những vấn đề văn hóa liên quan đến Sài Gòn nên tôi chỉ tập trung tìm những cuốn sách nào có liên quan đến chữ quốc ngữ và liên quan đến Sài Gòn; có nhiều cuốn sách mình cũng thấy giá trị lắm nhưng mình không hiểu hết, không đọc hết và không sử dụng được thì tôi không lấy”.
Với chủ đề chính của buổi tọa đàm - “Thú chơi sách cũ: Định giá như thế nào?”, theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, vấn đề này rất khó nói bởi không dễ dàng để định giá được cuốn sách mà chúng ta biết rằng nó không in giá sau bìa. “Tất cả các sách đều in giá, riêng sách cũ thì không. Nếu chúng ta mua được cuốn sách đúng với sở thích của mình, vừa với túi tiền của mình thì đó là giá được.
Nếu nó vượt quá khả năng của mình, quá sức yêu cầu của mình thì đó là giá đắt. Do đó, định giá cuốn sách là định giá sức mình với yêu cầu về nội dung cuốn sách đó. Nếu chúng ta thấy cuốn sách đạt yêu cầu của mình thì giá cả lúc đó không phải là vấn đề. Và thực tế, không thể nào có một giá chuẩn cho sách cũ được”.
Trạc Tuyền
Tags