(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 26/4 tại Hà Nội, ca sĩ Đinh Hiền Anh đã tổ chức họp báo ra mắt dự án âm nhạc mới mang tên Mẹ Việt Nam gồm 3 ca khúc: Khúc ru Đồng Lộc (sáng tác: An Hiếu), Vầng trăng sáng Truông Bồn (sáng tác: Lê An Tuyên) và Mẹ Việt Nam (An Thuyên).
Đây là dự án âm nhạc thứ 3 của ca sĩ Hiền Anh, được chuẩn bị sớm nhất nhưng lại phát hành muộn nhất sau hai dự án trước đây là E ấp và Thương. Và dự án Mẹ Việt Nam kể trên ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 như là một lời tri ân của nữ nghệ sĩ gốc Nghệ An này với những anh hùng đã hi sinh cho độc lập, tự do của đất nước.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự hy sinh, mất mát của các chị, các mẹ và những nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc và Truông Bồn.
"Tôi là người Nghệ An, từ bé mỗi khi đi qua ngã ba Đồng Lộc hay Truông Bồn tôi đã mơ ước sau này lớn lên sẽ hát những ca khúc về sự hy sinh mất mát của chiến tranh, nhất là về những người phụ nữ Việt Nam.
Khi bắt tay vào thực hiện dự án, tôi không tìm được bài phù hợp. Mãi đến năm ngoái tôi tình cờ nghe được bài Khúc ru Đồng Lộc của nhạc sĩ An Hiếu và ngay lập tức đã gọi cho anh ấy bảo: Nhất định anh phải để bài này cho em. Rồi sau đó tôi có tâm sự với nhạc sĩ Lê An Tuyên rằng ngã ba Đồng Lộc có rất nhiều bài hát hay, nhưng Truông Bồn thì không nhiều nên chị phải viết cho em một vài bài về Truông Bồn. Từ lời đề nghị ấy, Vầng trăng sáng Truông Bồn đã ra đời.
Còn bài Mẹ Việt Nam là bài Đinh Hiền Anh có được lâu nhất. Đó là một sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên và khi ông còn sống đã gọi Hiền Anh đến và dành tặng ca khúc này cho cô vì cho rằng chất giọng của cô hợp với bài hát.
"10 ngày sau đó, nhạc sĩ An Thuyên qua đời và tôi xem ca khúc mà ông trao lại cho tôi như là một tài sản vô giá, khiến tôi càng muốn thu âm và phát hành nó ngay lúc đó..." ca sĩ Đinh Hiền Anh tâm sự. “Ca khúc này cũng đã được tôi thể hiện trong chương trình Đi tìm bóng núi - đêm nhạc tưởng nhớ và tri ân nhạc sĩ An Thuyên diễn ra hồi đầu năm nay qua bản phối của nhạc sĩ Dương Cầm.
Nhưng trong dự án Mẹ Việt Nam, tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên đã được phối lại hoàn toàn mới và cùng với ca khúc Khúc ru Đồng Lộc, Vầng trăng sáng Truông Bồn, Đinh Hiền Anh thể hiện không bằng kỹ thuật mà bằng tình cảm là chính. Vì thế, nếu người khó tính khi thưởng thức 3 tác phẩm kể trên chắc chắn sẽ chấm điểm cho cô rất thấp. Nhưng nếu thấu được tấm lòng chân thật của cô dành cho những liệt nữ đã hy sinh trong chiến tranh chắc chắn sẽ không bắt bẻ về kỹ thuật thanh nhạc.
Cũng cần nói thêm, xuất hiện trong 3 ca khúc của dự án này, ngoài NSƯT Mạnh Cường, đáng chú ý còn có một “diễn viên – nhân chứng lịch sử” – bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng của “Tiểu đội thép” mở đường tại Truông Bồn năm 1968.
Ngày 31/10/1968, một trận bom Mỹ dội xuống Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương - nơi Tiểu đội 2 (Đại đội 317 Thanh niên xung phong Nghệ An) đang bám mặt đường tiếp sức cho đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam - đã khiến 13 con người nằm lại với đất mẹ giữa đại ngàn, duy có bà Thông may mắn được cứu sống nhờ một phần đầu ruồi nòng súng K44 nhô lên trên mặt đất.
Và qua dự án này, có thể thấy một Đinh Hiền Anh hoàn toàn khác. Thay vì khán giả đã quen thuộc với một Đinh Hiền Anh tiểu thư, bóng bẩy, ngôn tình thì trong Mẹ Việt Nam là một Đinh Hiền Anh mộc mạc, giản dị và biết ơn lịch sử. Thêm nữa là màu sắc âm nhạc trong dự án âm nhạc này của Đinh Hiền Anh tuy chủ đề là về lịch sử nhưng không đậm chất anh hùng ca, không tô đậm sự khốc liệt của chiến tranh mà thiên về ballad trữ trình, lãng mạn nhiều hơn.
"Đinh Hiền Anh khi làm dự án này không phải để “bán đại trà” để lấy tiền tôi sẽ dành tặng cho 2 khu tưởng niệm Đồng Lộc và Truông Bồn mỗi khu 100 DVD để phát tặng cho các du khách xem/nghe, qua đó hiểu hơn, trân trọng hơn những gì mà các mẹ, các chị và các em gái trong thời chiến đã trải qua, đã hy sinh cho quê hương, cho đất nước.
Phạm Huy
Tags