Sáng 29/11, tiếp tục Chương trình Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, sau phiên khai mạc, Hội thảo bước vào Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Phiên thảo luận; Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương điều hành thảo luận.
Phát biểu đề dẫn Phiên thảo luận, Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn cho biết Phiên thảo luận tập trung thảo luận 6 vấn đề: Cơ sở lý luận-thực tiễn để xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện các hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; Nội dung của hệ giá trị; Mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị; Các điều kiện, yếu tố cần thiết ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các hệ giá trị; Chỉ rõ vai trò của các chủ thể trong đời sống xã hội liên quan đến xây dựng, tổ chức thực hiện các hệ giá trị; Đề xuất các giải pháp để đưa các hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam vào thực tế cuộc sống.
Tìm lời giải cho hiện tại và tương lai
Mở đầu thảo luận, Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày bài tham luận về tính cấp thiết, những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong tham luận, Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh Hội thảo mang tính khoa học, phù hợp với quy luật và quan hệ giữa văn hóa và con người, đi vào mục tiêu cao nhất, “trọng tâm, cốt lõi” của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị văn hóa.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, văn hóa đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu. Do đó, Giáo sư cho rằng, cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai. “Cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Giáo sư Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh và khẳng định, những giá trị của con người Việt Nam thời kỳ mới, hiện đại sẽ và chỉ được định hình trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.
Giáo sư Đinh Xuân Dũng mong muốn Hội thảo cần đi tới xác định hệ giá trị truyền thống đó để định hướng cho việc xây dựng và định hình hệ giá trị con người Việt Nam đương đại trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống với các giá trị mới đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Giúp con người Việt Nam “vững vàng” trước mọi biến động
Trong tham luận có chủ đề “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người nêu rõ hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiên nay của đất nước.
Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử của mình đến nay, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị, v.v. Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó, hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm.
Hệ giá trị con người gồm nhiều giá trị cấu thành khác nhau. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội thì hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định. Điều đó lại dẫn đến sự thay đổi các chuẩn mực cụ thể trong đời sống con người và cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tiêu chí, giá trị, chuẩn mực của thiếu niên và nhi đồng (5 điều Bác Hồ dạy), khác với tiêu chí, giá trị, chuẩn mực của bộ đội, công an nhân dân. “Việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới hiện nay phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực, cho các từng lớp người, các lĩnh vực xã hội, các lứa tuổi khác nhau, trên cơ sở phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây”, Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải, trong hiện thực, chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người là rất cần kíp, rất quan trọng, rất có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không xác lập rõ, không củng cố được và không phát huy được các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người trong thực tế, chúng ta khó có thể đẩy lùi được tình trạng suy thoái nói trên. Do vậy, Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải cho rằng, xác lập và xây dựng, phát huy các hệ giá trị sẽ củng cố sự ổn định xã hội, đảm bảo an ninh con người, “giảm sốc” cho các biến động kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng... giúp con người và xã hội “vững vàng”, bản lĩnh hơn, định hướng tốt hơn, hiệu quả hơn trước mọi biến động, khủng hoảng của đời sống.
*Cuối phiên thảo luận thứ nhất, Hội thảo diễn ra thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các diễn giả: Giáo sư-Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ (từ điểm cầu Huế). Các diễn giả đã trao đổi, làm cụ thể hóa hơn những vấn đề liên quan đến các giá trị gia đình và các chuẩn mực con người, quan hệ trong gia đình Việt Nam hiện nay.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận thứ nhất, Giáo sư-Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết Phiên thảo luận đã diễn ra thành công, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu của Hội thảo đề ra.
Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe 9 tham luận xoay quanh vấn đề cơ sở lý luận, yêu cầu nội dung, các điều kiện tác động cũng như các giải pháp xây dựng và đưa ra giá trị gia đình và con người Việt Nam. Giáo sư-Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, đây là một nội dung đặc biệt quan trọng và cũng là một nội dung để thực hiện một trong bốn trụ cột chính sách của Đảng, Nhà nước: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
*Theo Chương trình Hội thảo, buổi chiều, Hội thảo tiến hành Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành Phiên thảo luận.
Tags