(Thethaovanhoa.vn) - Văn hoá Huế - Đặc điểm lịch sử và vấn đề bảo tồn, phát triển là chủ đề hội thảo khoa học do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 17/12 tại thành phố Huế.
Từ lâu, chính quyền và nhân nhân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Huế trở thành thành phố văn hóa đặc trưng của Việt Nam, bởi Huế mang trong mình hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 và 2003 gồm Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình. Gần đây, UNESCO còn công nhận thêm hai di sản khác là Di sản ký ức thế giới gồm Mộc Bản Triều Nguyễn và Châu Bản Triều Nguyễn.
Văn hóa Huế - vấn đề bảo tồn và phát triển
Một trong những yếu tố hình thành và phát triển rực rỡ của văn hóa Huế là bắt đầu từ văn hóa Phú Xuân thời vương triều Nguyễn. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng: “Nhìn lại vốn liếng di sản văn hóa nước nhà được tạo dựng trong cả ngàn năm qua, chúng ta thấy không có triều đại quân chủ nào để lại một khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang giá trị cao về cả lượng lẫn chất như vương triều Nguyễn (1802 – 1945), mà tập trung nhất là ở miền sông Hương núi Ngự. Đây là nơi hội tụ và lan tỏa của trí tuệ và tâm hồng Việt Nam trong gần mọt thế kỷ rưỡi, đặc biệt là trong thế kỷ XIX”.
Dưới Triều Nguyễn, văn hóa Phú Xuân – Huế đã phát triển rực rỡ trên nhiều phương diện mà nỗi trội nhất là mỹ thuật, âm nhạc, văn họa và học thuật. Những giá trị di sản văn hóa Huế đó là nguồn tài nguyên vô giá và qua thời gian Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô.
Hội thảo tìm ra các giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát triển văn hoá Huế
Cố đô Huế đã có Công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bào tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia nhấn mạnh: “Khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Di tích cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa mình vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.
Văn Hóa Huế với phát triển du lịch
Từ thành phố văn hóa, Huế đã mở ra hướng phát triển kinh tế thích ứng là phát triển du lịch, nhất là du lịch di sản. Văn hóa là điều kiện cần để phát triển du lịch. Những di sản văn hóa Huế như quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế … là những tài nguyên văn hóa du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn giúp Huế trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. PGS. TS Đỗ Bang Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Văn hóa Huế đã để lại nhiều di sản có giá trị đắc trưng mang tính toàn cầu và đã được khơi dậy tạo thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần thay đổi diện mạo của đất nước trong những năm gần đây. Để Huế trở thành một trung tâm du lịch của đất nước mang tầm quốc tế cần phải có giải pháp đầu tư đồng bộ mang tính khoa học mới tạo ra được những giá trị sản phẩm có chất lượng cao để thu hút du khách”.
Du lịch Thừa Thiên – Huế trong những năm qua bước đầu đã xây dựng được hình ảnh tích cực. Bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch Thừa Thiên – Huế Thạc sỹ Nguyễn Quỳnh Hương – Học viện hành chính khu vực miền Trung nhấn mạnh ưu thế văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch một các bền vững thông qua các lễ hội, phục dựng, tái hiện các nghi lễ, âm nhạc, trang phục … để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc. Thạc sỹ Nguyễn Quỳnh Hương cho rằng “Tìm thương hiệu mạnh phải là văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý xây dựng kịch bản và sân khấu hóa là đúng nhưng không thể chủ quan, duy ý chí, ước lượng, tưởng tượng mà phải bắt nguồn từ lịch sử, không được vi phạm đến các nguyên tắc cơ bản của lịch sử”.
Bình Nguyên
Tags