Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh

Thứ Năm, 16/01/2025 07:11 GMT+7

Google News

Năm mới Ất Tỵ là cảm hứng để họa sĩ Đinh Hữu Việt thực hiện 30 bức tranh sơn mài trên giấy với hình tượng rắn. Và cái tên của triển lãm gắn với số tranh ấy cũng rất lạ: Hoa rắn đang diễn ra tại không gian nghệ thuật Artistay, 15 Hàng Đường (Hà Nội) từ nay đến hết ngày 18/1 tới đây.

1. Nằm trong bộ 12 con giáp, rắn là còn là một hình tượng nhiều tính thiêng của dân tộc Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến hơn 300 ngôi đền thờ rắn chỉ riêng ở vùng châu thổ sông Hồng. Hoặc một ví dụ khác: Con rồng thời Lý, một trong những hình tượng nổi tiếng nhất của mỹ thuật cổ Việt Nam, cũng được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận cho là lấy cảm hứng và phát triển từ hình tượng rắn.

Tuy nhiên, họa sĩ Đinh Hữu Việt đã dùng rắn như một chất liệu tạo hình, bỏ qua cả đặc tính tự nhiên và đặc tính tâm linh truyền thống của loài vật này. Bởi với anh, "rắn chỉ là hình tượng, là đường nét để truyền tải những cảm xúc của người nghệ sĩ".

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 1.

Họa sĩ Đinh Hữu Việt và khán giả tham quan triển lãm

Đinh Hữu Việt nói lúc rằng đầu anh vẽ rắn với một tinh thần chủ động. Nhưng anh không nghĩ rằng, sau tác phẩm đầu tiên (Nhật - nằm trong bộ Nhật - Nguyệt) thì chính rắn mới là chủ thể luôn cuốn hút, dẫn dắt và lôi kéo anh vẽ liên tiếp không ngừng nghỉ. Kết quả là sau hơn 2 tháng làm việc liên tục cả ngày và đêm, Đinh Hữu Việt có được bộ sưu tập với 30 tác phẩm rắn trong triển lãm này.

Cũng vì sự dẫn dắt của hình tượng này, các tác phẩm phải sau khi hoàn thành mới có tên gọi. Đinh Hữu Việt vẽ rắn hồng, rắn xanh, rắn đỏ, rắn vàng với sự phản chiếu rắn là hoa, là nguyệt, là đôi lứa, là mùa Xuân. Từ đó, triển lãm Hoa rắn mới sắp đặt thành 5 bộ rắn mang tên Hạnh phúc, Sonata, Thần thoại, Mây, Hoa và 1 cặp Nhật - Nguyệt.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 2.

Một số tác phẩm trong triển lãm “Hoa rắn”

Theo chia sẻ của tác giả, anh không lựa chọn vẽ theo đặc tính tự nhiên của rắn. Như lời Việt, quả thật, nếu đặc tả nguyên bản thì xem chừng nhìn con vật này cũng thấy… ghê ghê. Cho dù, rắn là con vật có thể nói là dễ vẽ nhất trong số 12 con giáp.

"Nếu vẽ rắn theo tự nhiên, chỉ cần đi một nét là xong hình hài. Điều đó có nghĩa rằng trong số các con vật, vẽ dễ nhất, nhưng cũng khó đẹp nhất chính là vẽ rắn. Còn nếu cố tình vẽ theo lối tâm linh, lại chẳng khác gì cố tình uốn tư tưởng mình khác đi" - nghệ sĩ cho hay -"Mà với tôi, đặc thù của rắn chính là cái đầu, vì nếu bỏ đầu đi thì rắn cũng như lươn. Nhưng phải vẽ làm sao để nhìn đầu rắn không đáng sợ như vốn có?".

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 3.

Từ suy nghĩ đó, Đinh Hữu Việt chọn sự mềm mại không chỉ ở đường nét uốn lượn của rắn mà còn thể hiện những "khuôn mặt" rắn hiền hòa, ngây ngô, thậm chí ngây thơ, trong sáng, có con trông còn giống búp sen… Với hình thái hạnh phúc, anh chọn những cặp rắn 2 màu tương phản nhưng song song cuộn tròn, cuộn vuông cùng nhau. Phải nói rằng, đường nét chuyển động của rắn trong tranh Hữu Việt rất phong phú, khó thấy sự lặp lại.

Đặc biệt hơn, Việt chọn màu sắc của Xuân - mùa sinh sôi nảy nở - nhưng đa sắc diện từ ban ngày đến ban tối, từ màu nóng đến màu lạnh. Tất nhiên, sự tươi mới ấy càng không thể thiếu sự rực rỡ của những cánh đào đón Xuân.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 4.

2. Đinh Hữu Việt là cái tên họa sĩ không dễ tìm kiếm trên… mạng internet. Dù thực tế, anh đã có con đường sáng tác riêng từ 20 năm qua, với nhiều tác phẩm hiện đang được trưng bày ở một số điểm triển lãm tại Hà Nội.

Mọi người gọi Hữu Việt là người học sơn mài trước khi học vẽ. Bởi anh trưởng thành trong một gia đình theo đuổi nghệ thuật sơn mài với người chú, người thầy là họa sĩ Đinh Quân - một gương mặt nổi bật của bộ môn sơn mài Việt Nam đương đại. Ở thập niên 1990, Hữu Việt của thời niên thiếu đã làm việc trong xưởng họa Đinh Quân chỉ như một cậu bé làm việc kiếm thêm, trước khi nhận ra đam mê đích thực của mình và theo học nghệ thuật một cách bài bản. Anh tốt nghiệp khoa sơn mài, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 2001 - 2006.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 5.

Gắn bó với sơn mài cổ điển khá lâu, nên khi muốn vẽ trên một chất liệu mới, Hữu Việt đã thử nghiệm rất nhiều sự kết hợp giữa sơn mài và các chất liệu khác như gỗ, lụa, vải… cho đến khi anh tìm tới giấy. Theo đó, chất liệu này vẫn giúp giữ được kỹ thuật được tinh túy không thể nhầm lẫn của nghệ thuật sơn mài, nơi các tầng màu sau khi mài tạo ra một chiều sâu không gian. Nhưng đồng thời, việc sử dụng giấy sẽ giúp sơn khô nhanh hơn, rút ngắn thời gian chờ đợi, giúp người sáng tác được sống với cảm xúc liền mạch hơn.

Đinh Hữu Việt không bị gián đoạn qua từng lớp sơn, từng lần bê tranh đi mài, những khi chờ ủ, và anh tin rằng điều đó cho phép mình chìm đắm nhiều hơn vào sáng tạo.

"Tôi thích sơn mài trên giấy. Bởi giấy giúp mình có được cảm xúc liên tục khi vẽ. Đó là điều rất cần cho người nghệ sĩ" - họa sĩ lý giải về sự lựa chọn mang tính nỗ lực, phá cách về chất liệu sáng tác của mình - "Làm sơn mài là phải có lớp lang, là cần thời gian để chờ khô từng lớp. Nhưng khi làm trên giấy, tôi thực hành được liên tục và tốc độ hơn".

Và cuối cùng, bên cạnh với việc thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ, Đinh Hữu Việt chia sẻ một thông điệp vui: Anh mong muốn người xem đến triển lãm Hoa rắn sẽ không bao giờ cảm thấy... sợ rắn nữa, nếu bắt gặp chúng trong cuộc đời.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 7.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 8.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 9.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 10.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 11.

Đinh Hữu Việt - người "cảm hóa" rắn bằng tranh - Ảnh 12.

Lam Anh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›