Novak Djokovic trông uể oải và chán nản trong hai set đầu để Stefano Tsitsipas đánh bại, thế rồi anh bước vào set thứ 3 như chưa có chuyện gì xảy ra, nhanh chóng hạ đối thủ người Hy Lạp ở 3 set còn lại để lần thứ 2 vô địch Roland Garros – danh hiệu Grand Slam thứ 19 trong sự nghiệp của anh.
Kết quả tennis Roland Garros 2021 - chung kết đơn nam:
* Novak Djokovic vs Stefanos Tsitsipas 6-7 (6), 2-6, 6-3, 6-2, 6-4
Video clip highlights: https://youtu.be/c7O8a68d_xM
Tổng kết Roland Garros 2021
Vô địch đơn nam: Novak Djokovic
Vô địch đơn nữ: Barbora Krejcikovic
Vô địch đôi nam: Piere Hugues Herbert/Nicolas Mahut
Vô địch đôi nữ: Barbora Krejcikovic/Ekaterina Sinikova
Vô địch đôi nam nữ: Desirae Krawczyk/Joe Salisbury
1.Đây không phải lần đầu tiên tay vợt người Serbia làm khó mình ở những hoàn cảnh không đáng phải vậy. Chỉ riêng tại Roland Garros năm nay, ở vòng 4, anh cũng đã bị tay vợt hạng 76 thế giới Lorenzo Musetti hạ ở 2 set đấu đầu rồi lại thắng ngược lại chóng vánh sau đó. Nhưng nếu mọi thứ cứ đơn giản, chân phương, thì đó đã không phải Nole mà người hâm mộ biết và đặc biệt yêu quý. Djokovic từng tâm sự rằng: "Chúng tôi không có một tuổi thơ như nhiều tay vợt cùng trang lứa khác. Chúng tôi trưởng thành cùng chiến tranh, phải trải qua rất nhiều chông gai, khó khăn về tài chính và chúng tôi vẫn tồn tại.” Và bản năng sinh tồn, bản năng chiến đấu, tinh thần không bỏ cuộc trước nghịch cảnh ấy có lẽ đã ăn sâu vào huyết mạch Djokovic, khiến những trận lội ngược dòng của anh bỗng trở thành chuyện cơm bữa trong làng quần vợt, một điều không còn đáng bất ngờ nữa.
Điều gì có thể lý giải cho khả năng tài tình này? Có lẽ là tâm trí rất mạnh mẽ của Nole, một người tin và thực hành Luật Hấp Dẫn. Như cách anh đã từng tự làm ra chiếc cúp Wimbledon bằng giấy năm 6 tuổi và đứng trước gương ám thị mình sẽ là nhà vô địch, là tay vợt số 1 thế giới, Djokovic đã tận dụng khoảng vài phút ngắn ngủi nghỉ giữa jeux đấu để tự trấn an bản thân. “Tôi bảo với mình rằng mình có thể làm được, tôi khuyến khích, động viên chính mình. Tôi lặp đi lặp lại những thông điệp tinh thần ấy cho tâm trí của mình và luôn cố gắng hành động như thể nó đã và đang diễn ra như tôi mong đợi“, Nole chia sẻ.
2.Djokovic đã bước vào trận chung kết với dấu hiệu hơi xuống sức. Điều này không quá đáng ngạc nhiên vì anh mới trải qua trận thư hùng với Nadal kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ tối thứ Sáu. Đó là một trải nghiệm mà chính tay vợt người Serbia đã ví rằng nó khó khăn, mệt mỏi như chinh phục đỉnh Everest. Đó mới chỉ là trận thua thứ ba trong sự nghiệp của Nadal trong 108 trận đấu ở Paris. Năm 2015, Djokovic cũng từng làm được điều tương tự trước khi dừng chân ở trận chung kết. Và tưởng như kịch bản cũ sẽ tái hiện lần này khi mà Tsitsipas đang nắm trong tay lợi thế.
“Mọi thứ đã không hề dễ dàng, cả về thể chất lẫn tinh thần.“, Djokovic phát biểu sau trận đấu. Tuy nhiên cuối cùng thì anh vẫn lấy lại được sức chiến đấu ngoan cường của mình bằng những pha giao bóng, trả giao bóng hoàn hảo. Nole đã không phải đối mặt với điểm break nào ở cả 3 set sau đó. Đây là lần thứ 6 trong sự nghiệp, Djokovic lội ngược dòng khi đã bị dẫn trước 2 set.
Tsitsipas đã khóc khá lâu và chắc hẳn thua cuộc không phải lý do duy nhất cho những giọt nước mắt ấy. Sự cay đắng nằm ở cách anh đã thua vì từng tưởng rằng mình đã ở rất gần chức vô địch. Tay vợt 22 tuổi đã chơi rất tốt với một thứ quần vợt đẹp đẽ của những cú trái một tay sở trường để thắng 7-6 (6), 6-2 khi nhập cuộc. Và rồi Nole biến những cố gắng ấy trở thành vô nghĩa.
3.Djokovic chỉ còn cách kỷ lục 20 chức vô địch Grand Slam của Rafael Nadal và Roger Federer một danh hiệu nữa. Nhưng chỉ cần tính tới nay, anh đã trở thành tay vợt đầu tiên trong kỷ nguyên Mở rộng vô địch mỗi giải Grand Slam ít nhất 2 lần, điều mà Federer và Nadal còn chưa làm được. Tính cả lịch sử, mới chỉ có Rod Laver và Roy Emerson lập được kì tích này. Còn giờ đây, với tư cách nhà đương kim vô địch Australian Open và Roland Garros, Djokovic đang tiến rất gần đến một kì tích phóng khoáng hơn.
Nếu tiếp tục thành công ở Wimbledon và Us Open, Novak Djokovic sẽ là tay vợt đầu tiên kể từ kỷ nguyên Mở rộng, thứ 3 mọi thời đại (sau Laver năm 1962, 1969 và Don Budget năm 1938) giành được trọn bộ cả 4 danh hiệu Grand Slam trong cùng một năm thi đấu.
Yến Nhi
Tags