Tại kỳ SEA Games lần này, Việt Nam đã để lại một hình ảnh ấn tượng với bạn bè khu vực với những khán đài sôi động, đầy ắp CĐV. Thể thao & Văn hóa xin gửi đến bạn đọc tâm sự của chị Đỗ Hoàng Yến, hội trưởng hội CĐV Vietnam Golden Star (VGS) về những kỷ niệm khó quên tại kỳ Đại hội này.
Tấm đại kỳ và màn tifo mưa giấy
* Điểm nhấn trên các khán đài là tấm đại kỳ Việt Nam khổng lồ. Chị có thể chia sẻ vài thông tin về tấm đại kỳ và một vài kỷ niệm đáng nhớ?
- Thực ra Yến và các bạn trong hội đã chuẩn bị tấm đại kỳ này từ hồi đầu năm và lần đầu ra mắt ở trận vòng loại World Cup 2022 hôm mùng Một Tết, khi Việt Nam thắng Trung Quốc 3-1. Đây là tấm đại kỳ lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay với khổ 30mx100m, nặng 450kg. Thời điểm ấy dịch Covid-19 vẫn còn đang căng thẳng nên khán giả không vào sân được thì lấy gì tiếp sức cho đội tuyển. Yến nghĩ là mình sẽ làm một tấm đại kỳ và trải lên khán đài để chứng tỏ CĐV Việt Nam lúc nào cũng bên cạnh đội tuyển. Vừa vặn luôn là sau khi vòng loại World Cup 2022 kết thúc thì chúng ta lại cổ vũ SEA Games. Yến mong muốn tấm đại kỳ này lúc nào cũng có mặt khi chúng ta thi đấu, và đi được tất cả các sân ở Việt Nam thì quá tốt, và ra nước ngoài thì còn tốt nữa.
* Trong trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Philippines, hội CĐV Việt Nam đã tạo một màn tifo mưa giấy trên khán đài. Đó là một hình ảnh mãn nhãn nhưng cũng gây ít nhiều tranh cãi. Sau đó, Sở Văn hóa Thể thao & du lịch Phú Thọ đã không khuyến khích hình thức cổ động này. Chị có thể rút ra được những kinh nghiệm gì sau trải nghiệm này?
- Nếu là dân cổ vũ bóng đá cuồng nhiệt thì bạn sẽ không lạ gì những màn tifo mưa giấy như thế này bởi nó đã có mặt ở nước ngoài từ lâu, lâu lắm rồi. Ở Việt Nam mình chưa bao giờ làm như vậy thì thấy xa lạ với điều đó, Yến muốn tạo một hình ảnh đẹp mà tốn không quá nhiều chi phí mà khán giả có thể làm được. Đáng tiếc là sau đó đã xảy ra sự cố do trời mưa, một tai nạn thực sự. Khi lên chương trình, Yến và các bạn đã kiểm tra dự báo thời tiết thấy lượng mưa chỉ 6%, nên mới tự tin triển khai màn tifo đó, nhưng không ngờ dự báo thời tiết sai. Sau khi ném xong 15, 20 phút thì trời bắt đầu mưa. Mà mưa thì giấy sẽ rã ra, khó thu dọn hơn.
Khi chúng ta nhìn ra nước ngoài, từ những giải đấu danh giá như Champions League, những CLB như Dortmund, hay gần nhất bên cạnh mình như Thái Lan, Malaysia, họ vẫn chơi những màn tifo như vậy. Lần đầu tiên ở Việt Nam lại là ở Phú Thọ, một tỉnh mà bóng đá chưa lên V-League, nên những màn cổ động tifo với họ rất lạ lùng. Nếu trời nắng, đó sẽ là một hình ảnh rất đẹp, nhưng đã chơi phải chấp nhận tai nạn. Ngay cả việc BTC tắt âm thanh, ánh sáng, không cử quốc ca được cũng là một tai nạn, chứ đâu ai muốn.
VGS sẽ không tái diễn màn tifo mưa giấy nữa, không phải vì Sở VH, TT&DL không khuyến khích, bởi đơn giản nguyên tắc của tifo là không bao giờ lặp lại ở cùng một giải đấu, cùng một sân vận động nữa.
Ấp ủ màn tifo hoành tráng hơn
* Một trong những yếu tố làm nên sự sôi động trên khán đài là những tiếng kèn vuvuzela. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hình thức này nên bị cấm vì nó quá ồn, có thể ảnh hưởng đến các cầu thủ dưới sân cũng như át đi tiếng cổ vũ của chính các CĐV. Ý kiến của chị thế nào?
- Yến hoàn toàn phản đối cổ vũ bằng kèn vuvuzela, và chính Yến cũng đã góp ý với ban tổ chức sân vận động Việt Trì rằng nên cấm kèn vuvuzela. Những SEA Games ở Singapore và Malaysia, ban tổ chức còn ra văn bản cấm luôn việc mang kèn vào sân, cũng như bên mình đang cấm, không được mang pháo sáng, chai nước vào trong sân vậy. Còn trống cũng chỉ được mang vào sân khi mà hội CĐV có văn bản chấp nhận từ phía ban tổ chức.
Kèn thổi trong sân vận động rất là ồn, đến nỗi chính cầu thủ của chúng ta cũng kêu gọi không sử dụng chúng vào lúc thi đấu vì nó rất ảnh hưởng đến trận đấu. Các cầu thủ và HLV không thể nào trao đổi với nhau được dưới tiếng kèn inh tai như vậy. Ở Việt Nam mới chỉ có sân Thiên Trường là cấm kèn vuvuzela. Thực tế, các nước lân cận mình họ đã cấm từ lâu rồi, chỉ Việt Nam mình chưa làm được.
Khi chúng ta hát, và cổ vũ bằng tiếng trống, đó sẽ những âm thanh giúp cầu thủ dưới sân có động lực, có lửa. Chứ mang kèn vuvuzela vào thì không chỉ người bên cạnh nhức tai, nhức óc, mà cầu thủ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tóm lại, Yến rất ủng hộ ban tổ chức cấm tiệt loại kèn này luôn.
* Thứ Năm tới, U23 Việt Nam sẽ tiếp U23 Malaysia ở trận bán kết một môn bóng đá nam. Chị có thể tiết lộ một chút về kế hoạch cổ động của hội CĐV Việt Nam ở trận này?
- Trận đấu này diễn ra đúng ngày vào ngày sinh nhật bác Hồ, nên Yến sẽ làm một tifo về người lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, với những câu nói đỉnh điểm mà Người để lại cho chúng ta. Trước trận, hội CĐV sẽ đi diễu hành, thắp hương ở đền Hùng, xong đó sẽ vào sân làm những tifo về Bác Hồ. Cụ thể thì chưa thể tiết lộ, mà đến lúc đó, mình bật mí thì sẽ hay hơn.
Thực ra, bọn mình cũng định in hình của Bác, nhưng sợ trời mưa và một số người thiếu ý thức, làm rơi xuống đất rồi vô tình mọi người đạp lên thì sẽ là một hình ảnh không đẹp thì không chỉ Yến, hội CĐV, mà cả ban quản lý sân sẽ phải chịu trách nhiệm. Chính vì thế, việc in đến 10.000 tờ giấy in ảnh Bác là một phương án không hợp lý. Nếu làm trong nhóm CĐV chừng 500, 600 người mà Yến quản lý thì còn được chứ hơn 1 vạn người thì rất khó quản lý.
Yến và các bạn trong hội sẽ chọn một phương án an toàn, mà vẫn ý nghĩa trong ngày sinh nhật bác Hồ. Mọi người hãy chờ xem nhé!
* Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!
Tuấn Cương (ghi)
Tags