(Thethaovanhoa.vn) - Khi giải thưởng Cánh diều đang được trao cho những người làm điện ảnh thì dư luận cũng dậy sóng với sự việc Nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín kêu than với truyền thông rằng ông mất nhà vì đầu tư làm phim. Nguyên nhân thật sự khiến nghệ sĩ Chánh Tín mất nhà còn chưa thật minh tỏ nhưng thực tế đã có nhiều hãng phim chết ngay sau khi phim đầu tay còn chưa kịp ra mắt khán giả.
Khách mời mục Đối thoại tuần này là người đã từng nhiều lần “chết” vì phim và đang lăn lộn với công việc này ở nhiều đoàn phim lớn, ông Đỗ Quang Minh (còn gọi là Minh Dofilm), đạo diễn, nhà sản xuất phim.
* Trước hết, xin anh cho biết anh nhận định thế nào về sự nở rộ của thị trường điện ảnh hiện nay?
- Theo quan sát của tôi, cũng như những gì chính tôi đã trải qua thì nguyên nhân của sự nở rộ, của sự “nhà nhà làm phim” như hiện nay có 50% là do ngây thơ, 50% là do… bị lừa. Thực tế là, ngoài các nhà sản xuất kỳ cựu vẫn rất thận trọng với việc đầu tư, sản xuất một bộ phim, chỉ những người tay ngang mới hăng hái xông vào địa hạt này. Một nguyên nhân khác là do sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã giúp cho việc làm phim trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Vì thế người ta có tư tưởng “làm phim quá dễ”. Tuy nhiên, cầm một con dao sắc có thể cắt đồ dễ dàng, ngon lành nhưng nếu cắt vào tay thì sẽ sâu hơn, đau hơn.
Có không ít người đến tìm tôi bảo có tiền và muốn làm phim. Họ là những người lắm tiền, với họ bỏ ra 5-7 tỷ chỉ như mình bỏ ra 500 ngàn để đi chơi trong một buổi tối, họ muốn làm phim để con mình vào vai chính, hoặc để kiếm chút danh vọng, sự nổi tiếng trong showbiz… Những người như thế rất dễ lọt vào tròng của những người làm phim có tư tưởng lừa đảo. Vì chơi nên chỉ sau một bộ phim là họ sẽ biến mất khỏi thị trường, tỷ lệ “chết” của những bộ phim kiểu này là 95%!
* Đó là câu chuyện của những người không chuyên, nhưng với giới làm phim chuyên nghiệp, tỷ lệ giữa thành công và thất bại của một bộ phim ra sao?
- Là 50-50. Một ví dụ rất cụ thể, trong năm 2012 và 2013, tôi làm điều hành sản xuất cho 2 bộ phim: Mỹ nhân kế và Lửa Phật. Cả hai phim đều có kinh phí lớn và có nhà đầu tư là những đơn vị sừng sỏ (Galaxy và BHD). Mỹ nhân kế thắng với doanh thu cao còn Lửa Phật thì lỗ đến mười mấy tỷ. Thắng lợi của Mỹ nhân kế là do đã nắm bắt được đúng thị hiếu của khán giả, tập trung vào đúng mục đích kinh doanh và mặc dù có thử nghiệm về công nghệ nhưng sự thử nghiệm đó không vượt ra ngoài tầm thưởng thức của khán giả. Lửa Phật thất bại do Dustin Nguyễn muốn làm một “món” quá mới trong khi thị hiếu của khán giả Việt Nam vẫn còn rất khó đoán. Sự mới mẻ có thể gây tò mò cho những người hiếu kỳ, nhưng sự hiếu kỳ luôn luôn là nhất thời. Thời điểm McDonald vào Việt Nam thì đông nghẹt người xếp hàng chờ ăn nhưng hiện nay, cửa hàng này đã vắng vẻ rồi, tuy nhiên người kinh doanh chắc chắn có chiến lược dài hạn 5-10 năm mới thu lãi. Còn với phim, chỉ sau 3 ngày ra rạp là đã cầm chắc sống chết rồi. Lửa Phật vừa ra rạp là đã chết luôn, lỗ luôn và không có cách nào bù lại được.
* Bộ phim Thần tượng mà anh tham gia với vai trò điều hành sản xuất vừa gặt đến 6 giải thưởng Cánh diều dù của một nhà sản xuất - đạo diễn mới toanh. Anh lý giải thế nào về thành công của bộ phim này?
- Tôi khẳng định là Thần tượng đã lỗ vốn vài tỷ. Thần tượng là phim tốt, thành công về hiệu ứng khán giả và được những giải thưởng ghi nhận chất lượng nghệ thuật, thông điệp của phim, còn về mặt kinh doanh thì nó thất bại. Sự thất bại này có nguyên nhân từ chính việc tính toán thời điểm phát hành, đụng với một “bom tấn” có con át chủ bài Thái Hòa - Tèo em. Mà như bạn biết, chính nhà sản xuất Tèo em còn phải dời ngày ra mắt để khỏi đụng với Thần tượng, đó là hành động của người làm phim chuyên nghiệp.
* Vậy theo anh, cách thức để đầu tư cho một bộ phim như thế nào mới là đúng?
- Những nhà sản xuất mới thường bắt đầu quy trình làm phim thế này: bỏ tiền làm phim rồi đem đi chiếu. Nhưng thật ra là phải làm ngược lại. Việc đầu tiên là phải tìm hiểu thị trường cần gì, sản phẩm mình làm ra cần bao nhiêu tiền, làm như thế nào, đối tượng khán giả là ai, thời điểm phát hành là lúc nào? Trả lời hết những câu hỏi đó thì mới bắt đầu làm phim được, chứ không thể như người bán lẻ, cứ có hàng là mang ra chợ bán. Làm một bộ phim không giống như viết một cuốn truyện hay một bài nhạc. Viết truyện hay nhạc nếu có vứt sọt rác thì cùng lắm chỉ tốn công người viết, còn một bộ phim mà vứt vào sọt rác thì sẽ phá sản luôn và kéo theo sự tổn hại về kinh tế cho những người khác.
Mấu chốt của những cái chết trong điện ảnh là sự chủ quan, là sự ý thức một cách hời hợt về thị trường.
* Hiện nay các hãng phim lớn như Galaxy hay BHD cũng đều phải tìm đến phương thức hợp tác với nhiều đơn vị khác để cùng thực hiện một bộ phim. Rồi có những hãng như HK Film hiện giờ đã chuyển hẳn sang đi làm thuê chứ không còn đầu tư sản xuất phim, hay bản thân Dofilm của anh cũng toàn gia công là chính. Phải chăng đó là sự không hời hợt, là “biết sợ”?
- Trong ngành này, việc hợp tác để chia đều rủi ro là điều tất yếu. Các hãng phim của Hollywood đã làm như vậy từ lâu rồi. Nếu bạn biết về thời kỳ nông dân có phong trào nuôi hươu sao thì sẽ thấy làm phim hiện nay cũng giống như vậy. Nghĩa là 4 nhà chung vốn, chung công nuôi một con hươu sao, khi bán có lời thì chia nhau cùng hưởng nhưng không may nó chết thì mỗi nhà cũng chỉ mất ¼ con hươu thôi, trong khi đó ai cũng phải có trách nhiệm chăm nuôi nó để thu lời. Dofilm của tôi chỉ làm thuê như hiện nay vì tôi đã “chết banh xác” vài lần rồi, bây giờ dù có vốn và đã lăn lộn nhiều năm trong nghề tôi cũng không dám mơ mộng làm phim nữa, chỉ đi làm thuê thôi.
* Anh đã đúc kết được nhiều bài học trong lĩnh vực này và nắm trong tay cả kỹ thuật lẫn những chìa khóa cho sự thành công hay thất bại, tại sao anh thiếu tự tin đến vậy?
- Vì hiểu rõ như vậy, tôi càng hiểu về khả năng của mình. Trước đây, do không có kiến thức về kinh doanh nên tôi đã thất bại trong việc đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến phim ảnh. Còn hiện nay, tôi sẽ cân nhắc và chọn đối tác thật kỹ lưỡng nếu có đầu tư làm phim. Đồng thời tôi cũng không muốn những người khác “chết banh xác” như tôi đã từng, nên thường khuyên những người tìm đến tôi, đưa tiền cho tôi làm phim là “đừng làm phim” khi chưa hiểu rõ về lĩnh vực này.
* Cảm ơn anh.
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags