Lá thăm nghiệt ngã đẩy Anh và Xứ Wales vào trong một bảng đấu, hai nền bóng đá chênh lệch về đẳng cấp và hai quốc gia láng giềng có chung một ngôn ngữ cùng đó là một lịch sử chất chồng ghét hận.
"Tình yêu là muối, là mật, là đường…"
Người Anh không ưa gì dân Xứ Wales và ngược lại. Dĩ nhiên, thái độ đó không thể không tràn ngập vào bóng đá - trò chơi vốn luôn tạo ra những cuộc đối đầu không khoan nhượng, ồn ã và đôi khi thái quá.
Với mỗi con người Xứ Wales, sự căm ghét dân Anh mặc nhiên sinh ra là đã có. Trước mỗi trận đấu luôn là những cuộc khẩu chiến kéo dài của đôi bên, dĩ nhiên, sau khi trận đấu kết thúc cuộc khẩu chiến đó vẫn chưa dừng lại. "Không có cầu thủ Anh nào đủ tầm đá cho Xứ Wales", Bale từng tuyên bố. Cầu thủ này cũng công khai từ chối cơ hội thi đấu cho đội tuyển Anh (do bà ngoại anh là người Anh) và khẳng định "Được thi đấu cho Wales là một vinh dự!".
Còn với các cổ động viên, đội tuyển "Rồng đỏ" của họ có thể thua bất cứ ai, miễn không phải Anh, đội tuyển Anh luôn là đối thủ mà họ khao khát đánh bại nhất.
Tuy nhiên, khao khát là một chuyện, lịch sử cho thấy, trong hơn 100 lần gặp nhau, đội tuyển Xứ Wales chỉ thắng có 14 lần mà lần chiến thắng gần nhất đã từ lâu, lâu lắm. Họ hầu hết là thua, trận thua mới nhất là tại EURO 2016, cho dù Gareth Bale đã mở tỷ số, song rốt cuộc đội tuyển Anh lại ngược dòng để giành chiến thắng 2-1. Nhưng những thất bại chẳng làm cho ước muốn chiến thắng của Xứ Wales trước đội tuyển Anh nhụt đi, cũng chẳng thể khiến sự can đảm tính hiếu thắng và tự tôn trong họ mai một.
Người Xứ Wales yêu bóng đá, yêu đội tuyển quốc gia của mình và ghét bóng đá Anh - 3 điều đó được hòa trộn đặc quện tạo nên một thứ gia vị đặc biệt. Có lẽ nó giống như những điều mà Dafydd ap Gwilym, nhà thơ nổi tiếng Xứ Wales thời Trung Cổ đã từng viết trong Aubade - thi phẩm mang hàm ý chào ngày mới của ông: "Tình yêu là muối, là mật, là đường". Muối, mật, đường - luôn là như vậy, ngọt ngào và mặn đắng, bởi thế, tình yêu đó đặc biệt và vô cùng bền vững.
"Và tôi sẽ ở bên bạn, không thất bại"
41 bàn thắng sau 110 trận đấu, đó là những gì Bale đã làm cho đội tuyển xứ Wales, con số đó đã tạo nên những kỷ lục và tạo nên một huyền thoại Gareth Bale, bên cạnh và lừng lẫy hơn các huyền thoại khác của Xứ Wales như: Craig Bellamy, Ryan Giggs, Mark Hughes…
Tại kỳ World Cup lần này, Bale đã vượt qua Chris Gunter, người đang giữ kỷ lục khoác áo đội tuyển quốc gia (109 trận), để trở thành người dẫn đầu danh sách và anh còn có thể nối dài danh sách này tại World Cup lên con số 111. Đây là kỷ lục mà còn lâu mới bị phá vỡ.
Bale giữ nhiều kỷ lục của cả đội tuyển Xứ Wales lẫn bóng đá thế giới. Năm 2006, khi được gọi vào đội tuyển Xứ Wales và có trận đấu quốc tế đầu tiên, anh đã xác lập vị trí là cầu thủ trẻ tuổi nhất từng chơi cho đội tuyển, khi đó anh chưa đầy 17 tuổi.
Cùng với Bale, đội tuyển Xứ Wales lần đầu tiên được góp mặt vào một Giải bóng đá châu lục và gây chấn động lớn khi lọt tận đến trận bán kết của EURO 2016 cho dù trước đó họ không được đánh giá cao. Tiếp đó, Bale cùng Xứ Wales đi qua vòng loại EURO 2020 và lọt vào đến vòng 1/8.
Trên đấu trường World Cup, Bale và Xứ Wales đã vượt qua vòng loại để có mặt tại Qatar sau 64 năm vắng bóng. Nhưng có lẽ Bale cũng chỉ có thể làm được đến thế cho đội tuyển quốc gia của mình. Cầu thủ từng được biết đến là chạy nhanh nhất thế giới với bước băng tốc của loài linh dương đã cho thấy rõ sự mệt mỏi ở trận đấu thứ 2 trước một Iran đã đứng dậy quật cường sau thất bại thảm hại 2-6 trận ra quân.
Sau 16 năm "gánh team", chú linh dương Gareth Bale đã xuống sức rõ rệt mà chặng đường trước mặt thì quá chông gai, dường như cơ hội để đi tiếp của Xứ Wales là không có. Họ sẽ phải thắng đội tuyển Anh, lại còn phải thắng ít nhất 7 bàn, nhiệm vụ có thể bớt nặng nề hơn nếu như trận đấu giữa Mỹ và Iran có tỷ số hòa, nhưng bắt buộc là phải thắng.
Một chiến thắng để có thể lách qua khe lạch hẹp đưa linh dương đến một vùng đất mà nó chưa từng được đến và luôn khao khát được đặt chân. Một chiến thắng trước đối thủ truyền kiếp như một lời giã biệt đầy kiêu hãnh của linh dương trước khi chia tay.
Trận Anh và Xứ Wales sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ đêm giờ Qatar, miền sa mạc khi đó đã tắt nắng nhưng vô cùng nhiều gió. Tôi chợt nhớ những vần thơ trong Aubade của Dafydd ap Gwilym: "Và tôi sẽ ở bên bạn, không thất bại/Khi đám mây che phủ bầu trời đầy bóng tối/Và khi đêm đến, tôi cũng vậy". Người hâm mộ sẽ sát cánh bên Bale và Xứ Wales - chắc chắn rồi. Và sẽ là cảnh tượng các chàng trai Xứ Wales ngạo nghễ chào người hâm mộ theo kiểu Viking sau chiến thắng của họ trước Tam sư, còn điều gì có thể đẹp hơn?
Tags