Cứ mỗi kỳ World Cup hay EURO đến, niềm xác tín rằng đội tuyển yêu quý sẽ đi đến trận chung kết và lên ngôi trong tôi lại mới rượi, "nguyên vẹn tin yêu và nguyên vẹn khát khao". Bất luận kết quả của kỳ trước đó ra sao, bất luận sự hoài nghi thế nào…
1. Trước giải khi Hansi Flick công bố đội hình, tôi lấy hình 26 "đứa chúng nó" trưng lên trang cá nhân, đã có người hỏi tôi rằng, với dàn cầu thủ này, theo chị tuyển Đức sẽ đi đến đâu? Tôi đáp: Trận chung kết!
Người bạn đó cười đầy hoài nghi pha lẫn giễu cợt. Tôi cảm nhận thấy rõ ràng sự thương cảm và lảng tránh, chắc hẳn bạn ấy nghĩ rằng, không nên chấp loại fan cuồng không thể chữa này, nên tránh xa ra cho lành… Biết vậy, nhưng tôi không lánh, tôi dai dẳng kể về xuất xứ tình yêu với đội tuyển Đức, cho dù tôi biết, chắc bạn ấy và nhiều người quen biết tôi, sơ hay thân đều đã quen thuộc.
Đó là vào World Cup năm 1982, khi mà bài hát Tây Ban Nha Vì sao em ra đi (Porque te vas?) được hát nhại "Khi Espana tràn khắp nước ta, cả nước sục sôi, em có hay chăng Paolo Rossi là vua phá lưới, làm luôn 6 bàn, nhận luôn cúp vàng". Cũng phải nói rằng, 2 yếu tố làm cho "cả nước sục sôi" đó là vì đây là kỳ World Cup đầu tiên ở Việt Nam có một bản tin riêng, xuất bản hàng ngày, thông tin cập nhật: Bản tin nhanh Espana của Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Yếu tố thứ 2 đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên mà người Việt Nam được xem trực tiếp các trận đấu, thông qua đài Hoa Sen với sự bật đèn xanh của đài truyền hình Liên Xô cũ. Riêng tôi, cũng có lần đầu tiên của đời mình, phải lòng một đội bóng: Đội tuyển Tây Đức-lúc đó chẳng hiểu sao được gọi là 'Cỗ xe tăng'.
2. World Cup 1982 chứng kiến một trận đấu kinh điển về lội ngược dòng giữa tuyển Pháp và tuyển Tây Đức.
Ở phút thứ 17, tiền vệ Littbarski của Tây Đức ghi bàn mở tỷ số, tuy nhiên chỉ 9 phút sau, Platini - ngôi sao của bóng đá Pháp đã san bằng 1-1. Tỷ số này được giữ nguyên cho đến hết trận buộc 2 đội phải bước vào hiệp phụ. Ngay phút thứ 2 của hiệp phụ thứ nhất, đội Pháp đã có bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 và 6 phút sau, họ nâng tỷ số lên 3-1.
Mọi thứ tưởng chừng đã an bài, nhưng, đó là lúc "chàng hiện ra, đẹp ngạo nghễ, hấp dẫn và lôi cuốn bởi vẻ lạnh lùng bí ẩn…"- các chàng trai Tây Đức bình tĩnh, điềm đạm trong từng pha lên bóng, và lần lượt gỡ 2 bàn và đưa trận đấu vào cuộc thi sút luân lưu. Tại màn "đấu súng" đau tim fan này, tuyển Tây Đức cũng lại để mất lợi thế ở lượt đá thứ 3, nhưng cuối cùng thì họ là những người chiến thắng 5-4.
Trận đấu này đã tôn vinh cho ý chí và bản lĩnh Đức - trở thành một thứ thương hiệu của họ, còn với tôi đó là mốc khởi đầu cho một tình yêu.
Tình yêu đó cho đến nay đã trải qua 10 kỳ World Cup - 4 thập kỷ, kéo một vệt thời gian dài từ cô bé tuổi teen qua những thăng trầm của cuộc đời một người đàn bà làm báo và làm thơ đa đoan và truân chuyên. Giờ đây, khi tóc tôi đã bạc nhiều hơn đen, đã lên chức bà nội thì tình yêu của tôi với "cỗ xe tăng" vẫn cứ xanh nguyên. À, mà không, chính xác là tình yêu đó đã dày lên theo tháng năm.
3. Đội tuyển Đức của tôi đến với Qatar World Cup trong bảng đấu được coi là tử thần. Ngoài ứng viên của ngôi vô địch Tây Ban Nha (châu Âu), còn có sự góp mặt của Nhật Bản (châu Á) và Costa Rica (châu Mỹ). Sự tương đồng đến kỳ lạ với vòng bảng 4 năm trước tại Nga, giải đấu mà Đức đã thua Mexico, thua cả Hàn Quốc và chỉ giành chiến thắng sít sao ở phút bù giờ trước Thụy Điển. Ký ức buồn dội về khiến tim quặn thắt… Mùa hạ Sochi năm đó, nắng, gió, cả hoa lá… cũng như ước mơ của tôi, của fan hâm mộ tuyển Đức cùng tan tác theo những trái bóng bay lên không trung, bay ra ngoài biên, đập xà ngang, đập cột dọc… Một mùa Hạ đắng đau và kéo dài đến tận chớm Thu 2021, khi tuyển Đức không thoát ra khỏi chuỗi bết bát khi nổ, khi xịt trong những ngày tàn của triều đại Joachim Low.
Sau khi Hansi Flick tiếp quản, cho dù sớm giành vé đến Qatar nhưng các đối thủ cũng chỉ ở mức làng nhàng và thời gian của Hansi Flick là quá ngắn. Chưa kể, một số 9 thực thụ vẫn là nỗi đau đầu của ban huấn luyện và niềm lo lắng của người hâm mộ… Chính vì vậy, hành trình của tuyển Đức ở World Cup này không được đánh giá cao, tất cả mọi đồn đoán đều là dừng chân ở tứ kết. Trong mọi tung hô về các ngôi sao, không có cầu thủ Đức nào được nhắc đến. Tuyển Đức của tôi trong con mắt nhiều người, đến kỳ World Cup như một kẻ dạo chơi bên lề… Điều đó làm tôi tổn thương ghê gớm. Các chàng trai của tôi cũng thế. Và, chúng ta sẽ biến đau thương thành hành động, mỗi trận đấu là một cuộc chiến sống còn và một chiến thắng cho trận đầu, để đánh dấu sự trở lại!
Tags