Tuần qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức ra mắt tập bút ký chân dung Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng (NXB Hội Nhà văn, 2024) và chúc mừng sinh nhật lần thứ 93 của nhà văn Đoàn Minh Tuấn.
"Những ngọn đèn tỏa sáng" là hình ảnh tác giả dành cho 16 nhân vật của mình trong sách này. Đó là các vị lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ; các danh họa Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng; các nhà văn - nhà thơ từ Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Mộng Tuyết, Nguyễn Đình Thi, Xích Điểu… cho tới Phạm Tường Hạnh, Xuân Trình… Chính "cây bút" Đoàn Minh Tuấn đã sống mải miết, say đắm trong sự "tỏa sáng" lung linh kia và trưởng thành.
Lớn lên cùng các nhân vật
Ngay từ khi còn là một cây bút trẻ, Đoàn Minh Tuấn đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bác Tô) chỉ dẫn trực tiếp việc cầm bút. Ông kể: "Có một lần vào năm 1968, tôi và anh Lê Tiến ở Đài Tiếng nói Việt Nam được bác Tô gọi vào gặp, xong việc bác mời ăn hoa quả và uống nước. Sau đó, đột ngột bác bảo riêng tôi ở lại… tôi rất lo lắng, chẳng hiểu việc gì? Thì bác Tô nói:
- Phải thật khách quan và bình tĩnh em ạ! Đấu tranh phê bình là tốt, nhưng phải có phương pháp và phải kiên trì, không được vượt nguyên tắc. Dẫu bị "cả vú lấp miệng em" thì mình vẫn phải hết sức mềm mỏng, thuyết phục. Em là người viết, như tờ giấy thấm, mực xanh, mực đen nhỏ vào ta đều hút lấy cả. Rồi sau khi kiểm tra lại ta sẽ trình bày lại có lý, có tình. Với lại viết thì phải lách kia mà! Lách làm sao cho đừng đao to, búa lớn tổn thương đến tình anh em, tình đồng chí" - (tr.14, trongCây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng).
Không chỉ học trong phòng văn, bên trang viết như thế, Đoàn Minh Tuấn còn được học với nhân vật của mình trên những nẻo đường chiến tranh đầy bom đạn. Ông kể: "Vào khoảng cuối năm 1968, giặc Mỹ leo thang ác liệt vào vùng "cán xoong" khu 4 cũ bằng hải quân và không quân. Có lần tôi cùng Xuân Diệu đi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh tháp tùng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Đêm đêm chúng tôi ngủ chung dưới hầm địa đạo, hoặc trong các trận địa pháo cao xạ" - (tr.33).
Chăm chỉ học bên "những ngọn đèn tỏa sáng" như thế, Đoàn Minh Tuấn sớm thành tác giả của văn học hiện đại Việt Nam. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1974 với hơn 20 đầu sách đã xuất bản (có sách tái bản tới 19 lần) và nhiều bộ phim tài liệu truyền hình. Tới 2024 này, ở tuổi 93, ông lại có tác phẩm trình làng, có bài trong giáo khoa mới, sách Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Cánh diều.
Kiên trì ghi chép giai thoại văn học
Theo sát bước đường văn học của Đoàn Minh Tuấn, nhà văn Tô Hoài từng có nhận xét: "Đoàn Minh Tuấn viết về bạn văn của mình là sự thực, không thêm không bớt gì cả. Những giai thoại của Đoàn Minh Tuấn viết về văn nghệ sĩ cho thấy văn phong chân thực và là tình cảm của nhà văn với bạn bè thân quý của mình".
Tô Hoài vốn là bậc thầy trong loại hình chân dung văn học, ông có ý xếp chân dung văn học của Đoàn Minh Tuấn vào loại thể giai thoại. Theo góc nhìn của Tô Hoài, xin trích dẫn vài giai thoại đặc sắc từ các trang viết Đoàn Minh Tuấn.
Có giai thoại rất trữ tình và đầy chất sử thi, như chuyện Nguyễn Tuân về Đất Mũi: Hôm ấy ở Mũi Cà Mau…anh chồng họ Trịnh, xúc động gỡ cây kim băng cài ở túi áo vợ, chích giọt máu nhỏ ở đầu ngón tay trỏ phía trái, nhỏ vào ly rượu đế…Anh đứng dậy trịnh trọng nâng ly. Vợ chồng anh xin hầu rượu lão văn sĩ Nguyễn Tuân, tác giả Vang bóng một thời mà anh đã đọc. Quá bất ngờ, bác Nguyễn cũng đứng dậy hướng về đôi trẻ nói lời thân ái: "Xin chúc vợ chồng vạn hạnh với ly rượu "vườn đào" ngày Xuân".
Có giai thoại dở khóc dở cười khi nhà văn được chấm công lao động: Nhà văn Trần Trọng Đăng Đàn kể, năm bao cấp ấy, ông tới một cửa hàng đồ gỗ trên đường Võ Văn Tần TP.HCM tính mua một bàn viết. Đang nhờ ông chủ cửa hàng chọn cho cái rẻ nhất, thì bất ngờ Đoàn Minh Tuấn xuất hiện, tự chỉ vào cái lưng đã luống tuổi của mình: "Rẻ nhất là cái bàn viết này đây". Thì ra, để tự cứu mình thời khó đó, gia đình Đoàn Minh Tuấn phải nhường tầng trệt cho người khác thuê, buôn bán đồ gỗ.
Từ chuyện này giáo sư Đăng Đàn đưa ra bài toán vẫn đang rất thời sự, nhà văn bỏ ra 3 năm để viết một tiểu thuyết. Sách in ra, nhuận bút vào túi chừng 5 triệu đồng. Lấy số tiền này chia cho 1.000 ngày của 3 năm đèn sách, công lao động của nhà văn cỡ Đoàn Minh Tuấn, được đúng 5.000 đồng 1 ngày, không bằng anh xe ôm!
Có giai thoại cười ra nước mắt bên một mâm nhậu của nhà văn Việt Nam thời bao cấp: Đoàn Minh Tuấn đi Liên Xô, mua làm quà cho bác Nguyễn Tuân được một chai rượu - giá tiền bằng mua một chiếc quạt tai voi và một bàn là. Thế là về nhà các bạn nói vui: Tết này bác Nguyễn uống một cái quạt tai voi nhắm với cái bàn là Liên Xô…
Vẽ bản đồ Hà Nội bằng những số nhà đặc biệt
Từ 1954 tới 1975, trừ những năm đi chiến trường Tây Nguyên, nhà văn Đoàn Minh Tuấn ngụ tại số 21 Hàng Khay, Hà Nội, ngôi nhà có mặt tiền nhìn thẳng ra Hồ Hoàn Kiếm, liên vách với nhà số 19 của ca sĩ Tuấn Hưng ngày nay - người từng góp một ban công ca nhạc rất đẹp cho Hà Nội!
"Sở hữu" một số đẹp như thế suốt mấy mươi năm, đã có thể coi người "Quảng Ngỡi"Đoàn Minh Tuấn là dân Hà thành được rồi. Đọc kĩ mới thấy ông còn rành nhiều số nhà đặc biệt khác, đủ từng trải và tường tận, để có thể vẽ một bản đồ Hà Nội bằng những địa chỉ, những số nhà ngày càng nhiều giá trị lịch sử.
Đấy là số 2 Cổ Tân, ngôi nhà cổ nhìn ra bãi bia nổi tiếng một thời, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của mấy văn sĩ miền Nam tập kết như Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Võ Trần Nhã…
Đấy là 65 Nguyễn Thái Học, một biệt thự cổ cả trăm tuổi, 2 mặt tiền, với ngói ống, tường hoa, cổng gỗ lim rất Đông phương. Kiến trúc sư Ernest Hébrard, người thiết kế nhà 65 cũng là tác giả kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (còn gọi là Nhà bác cổ). Sau 1954, tòa biệt thự là khu tập thể của các văn nghệ sĩ. Từng ở đây có các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhạc sĩ Đỗ Nhuận…Tác giả Đoàn Minh Tuấn đã tới đây ngắm tranh và chép chuyện.
Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Sáng từng tự bạch: "Con người lúc sơ sinh hai bàn tay trong trắng hiền lành vê tròn vú mẹ... Con người, tay áp tay, trao cho nhau chiếc nhẫn, cái hôn ngày cưới... Khi nào mình trăm tuổi, quan tài của mình nên cho khoét hai lỗ tròn, để mình đưa cao tay lên với lấy trời xanh, nói là mình chỉ có hai bàn tay trắng" - (tr.94).
Gắn với số 65 này còn câu chuyện về thời "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi", họa sĩ Bùi Xuân Phái tới chơi nhà bạn Đỗ Huân nghệ sĩ nhiếp ảnh, ở bên kia đường, số 30 Nguyễn Thái Học, từ đây, nhìn tòa kiến trúc danh tiếng đang xuống cấp, tàn tạ, ông tức hứng vẽ bức phong cảnh ngôi nhà trên miếng các-tông lót nồi lấy đại bên mâm cơm vừa xong bữa. Bức phố Phái vẽ "dung nhan kiến trúc" nhà 65 hiện thuộc về một nhà sưu tầm sống ở Đà Lạt.
Mở các trang văn của Đoàn Minh Tuấn, bạn đọc còn được biết cà phê Lâm 60 Nguyễn Hữu Huân (tức cà phê Lâm "toét") nơi Nguyễn Sáng tới uống thiếu, rồi trả bằng cảnh trừ dần tiền bán tranh cho chủ quán, đây là nơi có treo tranh Nguyễn Sáng và còn giữ bức thư tay của ông:"Thân gửi a. Lâm!Tôi cần gặp anh và nói nhỏ với anh là tôi đang cần 10đ để chiều này tiễn đưa một người bạn đi làm việc. Anh cứ giao cho a. Dậu mang về. Tôi đang sáng tác nên không gặp anh được… Anh rỗi đến tôi chơi...Thân.20/9/73. TB: Nếu có hơn số đã định càng tốt, không sao cả!!"
Trong các trang văn của Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng còn ngôi nhà thật dễ tìm là nhà của kịch tác gia Xuân Trình: "…nhà Trình ngay trước Thư viện khoa học Hà Nội, trên đại lộ Lý Thường Kiệt rợp bóng cây. Những đêm sinh hoạt trường, lớp, nhóm về khuya, ký túc xá sinh viên Lò Đúc quá xa, nên ở lại ngủ với Xuân Trình. Chúng tôi thường nấu cơm ăn với nhau, và cùng say mê đèn sách" - (tr.236).
Nhóm bạn đèn sách ấy gồm Xuân Trình, Lê Khâm, Nguyễn Gia Nùng, Ngô Văn Phú, Võ Văn Trực, Đoàn Minh Tuấn… Đấy làm nhóm sinh viên văn khoa khóa 3 (1958-1961) Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khóa ấy thi 700 thí sinh, chỉ 20 trúng tuyển. Trong nhóm bạn văn vừa kể tên, tất cả trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lê Khâm (Phan Tứ) và Xuân Trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Ngày đại thọ 93 của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, cầm Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng trên tay, bạn đọc sẽ có cảm giác chờ đón những trang văn tuổi 95, 96… và nhiều hơn thế nữa.
Ngày đại thọ 93 của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, cầm Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng trên tay, bạn đọc sẽ có cảm giác chờ đón những trang văn tuổi 95, 96… và nhiều hơn thế nữa.
Tags