(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này không khí ASIAD đang trở nên rất nóng ở đất nước "vạn đảo" khi các băng rôn quảng bá cho Á vận hội xuất hiện ở khá nhiều nơi. Tuy nhiên, tình hình giao thông cũng có những điểm đáng bàn.
- Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm: 'Olympic Việt Nam phải hủy tập là lỗi của BTC ASIAD, nhưng...'
- 4 cầu thủ U23 Nhật Bản đáng chú ý ở ASIAD 2018 mà U23 Việt Nam phải dè chừng
- Đá giao hữu, cầu thủ U23 Malaysia và U23 UAE vẫn ẩu đả, có nguy cơ bị cấm dự ASIAD 2018
Từ Jakarta nơi có khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno tới Cikarang nơi diễn ra các trận đấu bóng đá trong đó có sự góp mặt của đội U23 Việt Nam, phóng viên Thể thao & Văn hóa đã ghi nhận một vài nét đáng chú ý của tình hình giao thông ở Indonesia.
Điểm đáng chú ý đầu tiên là sự xuất hiện của "một Hà Nội" nào đó tại xứ vạn đảo khi người ta có thể dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của những chiếc xe máy trên khắp các con phố. Rất, rất nhiều. Bên cạnh xe máy dĩ nhiên là ô tô và tất nhiên là cũng không ít.
Nhưng điều đáng nói là các phương tiện tham gia giao thông ở Indonesia, ngay cả vào thời điểm ASIAD đã gõ cửa này, cơ bản vẫn tuân thủ luật giao thông khá tốt và điểm khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng là một nét văn hóa giao thông khác của người Indonesia.
Trong suốt quá trình lưu thông dọc ngang trên nhiều con phố của thủ đô Jakarta cho tới khi di chuyển tới khách sạn Harper Lippo Cikarang nơi đội Olympic Việt Nam đồn trú, tuyệt nhiên không thấy xuất hiện tình trạng "ô nhiễm" tiếng ồn, không hề có những tiếng còi xe inh ỏi phát ra dù là xe máy hay ô tô.
Mọi người tham gia giao thông một cách nhẹ nhàng, từ tốn và luôn có sự tôn trọng dành cho những người đi đường xung quanh. Cũng không có tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm. Các xe đi đúng tuyến đường, trong giới hạn tốc độ cho phép và không bao giờ tìm cách cố vượt xe đi trước bằng cách bấm coi ầm ĩ.
Đấy là điều đặc biệt bởi lưu lượng người Indonesia tham gia giao thông rất đông. Rõ ràng, đấy là nét văn hóa giao thông đã được người Indonesia thấm nhuần và thực hiện từ lâu bởi một nét đẹp như thế không bao giờ có thể hình thành chỉ sau một đêm.
Nhưng Jakarta tắc đường còn hơn... Hà Nội
Những ai đã sống ở Hà Nội hay Sài Gòn đề thấm thía về tình trạng kẹt xe, khói bụi, tắc đường đã biến thành một trong những "thương hiệu" mang tính đặc trưng cao để nhận diện hai thành phố lớn nhất Việt Nam này.
Nhưng trong khi cảm thấy thực sự bất ngờ và thích thú với văn hóa giao thông đầy ý thức của người dân Indonesia, chúng tôi lại cảm thấy thực sự "kinh hoàng" với tình trạng kẹt xe ở nước này. Từng dòng xe nối đuôi nhau di chuyểm chầm chậm trên những con phố không phải là quá rộng đã khiến việc đi lại trở nên thực sự khó khăn.
Ngay ở thủ đô Jakarta, nơi có hạ tầng cơ sở giao thông được coi là tốt nhất Indonesia, cũng cảm nhận rõ ràng "điểm trừ" của hoạt động tham gia giao thông ở đây là mọi người phải mất quá nhiều thời gian để di chuyển giữa các điểm đến, ngay cả khi khoảng cách không quá xa.
Mọi chuyện khủng khiếp không kém khi ô tô đưa chúng tôi di chuyển từ trung tâm Jakarta tới khách sạn 4 sao Harper Lippo Cikarang nơi đội Olympic Việt Nam đồn trú trong thời gian thi đấu ở ASIAD 2018. Quãng đường 42km đã tiêu tốn tới 2 tiếng đồng hồ di chuyển dù cậu lái xe đã cố gắng đi nhanh nhất có thể.
"Vấn nạn" kẹt xe cũng chính là một trong những lí do khiến ông Park Hang Seo quyết định hủy buổi tập của đội Olympic Viẹt Nam ngày 12/8 sau khi BTC đẩy giờ tập từ 18h00 lên 20h00 bởi với khoảng cách 48km từ khách sạn tới sân tập Sutasoma 2 và với tình trạng tắc đường ở đây thì các tuyển thủ có nguy cơ phải đến... nửa đêm mới về tới khách sạn.
Quá muộn và dĩ nhiên là quá mệt mỏi nếu đến lúc đó họ mới tắm gội, nghỉ ngơi. Ngồi trên xe di chuyển quãng đường gần 50km từ trung tâm Jakarta về khách sạn Harper Lippo Cikarang, chúng tôi thực sự ngán ngẩm và mệt mỏi vì quãng đường không quá xa lại như muốn thách thức lòng kiên nhẫn của tất cả bởi "vấn nạn" kẹt xe xảy ra ngay ở trên những đoạn đường ngỡ như không phải là khu vực trung tâm mà chỉ là khu phố mới ở "xứ vạn đảo".
Trọng Tuệ (từ Jarkarta, Indonesia)
Tags