(Thethaovanhoa.vn) - Trong số các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trong lịch sử, Đoàn Văn Hậu là cái tên hiếm hoi chơi ở hàng phòng ngự. Và nhờ thế, anh cũng có khả năng thành công, cao hơn so với các đàn anh trước đó.
Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, và Nguyễn Công Phượng đều là những tiền đạo, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh là tiền vệ trung tâm, nhưng chưa bao giờ có thiên hướng phòng ngự cả. Và điểm chung giữa họ là đều không thành công khi thi đấu ở nước ngoài.
Đá phòng ngự sẽ dễ ghi điểm hơn?
Trong số những cầu thủ Việt thi đấu ở nước ngoài (chỉ tính ở các giải đấu có trình độ nhỉnh hơn V-League) thì Đặng Văn Lâm là cầu thủ chắc suất nhất khi anh chiếm luôn vị trí thủ thành số một ở Muangthong United. Sau giai đoạn đầu mùa khó khăn và tưởng như phải đối mặt với nguy cơ rớt hạng, CLB này đã hồi sinh và hiện đang nằm trong Top 6. Cá nhân Văn Lâm cũng đóng góp lớn vào thành tích ấy với 7 trận sạch lưới, đứng thứ 5 tại Thai League mùa này.
Để ghi điểm với HLV, các tiền vệ và tiền đạo sẽ phải có những đóng góp cụ thể như ghi bàn hay kiến tạo. Còn nếu không, anh phải thật xuất sắc trong việc triển khai thế trận, dù đóng góp thì thầm lặng. Với các thủ môn và hậu vệ, thì đó là cách họ tổ chức và phối hợp trong hệ thống phòng ngự. Trước các đối thủ mạnh, đội bóng sẽ càng phải chủ động phòng ngự hơn, thủ môn sẽ có nhiều cơ hội cản phá hơn, hậu vệ cũng sẽ phải cắt bóng, phá bóng nhiều hơn. Trước các đội yếu, việc phòng ngự sẽ nhàn nhã hơn, song cơ hội sạch lưới lại cao hơn. Còn nếu các cầu thủ phòng ngự mà ghi bàn hay kiến tạo, thì thành tích ấy của họ còn được đánh giá cao hơn những đồng nghiệp ở mặt trận tấn công.
Văn Lâm càng bắt càng chắc tay ở Muangthong, nhất là khi anh đã quen với các đồng đội. Với Văn Hậu thì sao? Nếu anh có thể hỗ trợ tấn công được thì quá tốt, vì Lucas Woudenberg không quá mạnh về mặt này. Song chỉ cần Hậu đá tròn vai, không mắc sai lầm dẫn đến bàn thua thì đó cũng được coi là thành công lớn. Căn cứ vào những động thái của Heerenveen có thể tin rằng họ không chỉ coi Văn Hậu là một bản hợp đồng thương mại, mà là một sự bổ sung để tạo sức cạnh tranh cho hành lang trái.
Đá cánh là một lợi thế
Trong cơ cấu nhân sự, một đội bóng có thể sở hữu tới cả chục tiền vệ, cũng như khoảng nửa tá tiền đạo. Nhưng hiếm có đội bóng nào có quá ba hậu vệ cánh ở cùng một biên. Sự cạnh tranh, vì thế, cũng sẽ ít hơn các vị trí khác rất nhiều. Để so sánh, trong khi Công Phượng không chỉ phải cạnh tranh với các tiền đạo châu Phi, châu Âu, mà còn cả các tài năng trẻ lớn của châu Á như Yuma Suzuki (Nhật Bản) và Lee Seung-woo (Hàn Quốc), thì Văn Hậu chỉ phải tranh suất đá chính với mỗi Lucas Woudenberg.
Các tiền đạo sẽ phải đối mặt với những trung vệ cao to, tranh chấp tốt. Những tiền vệ tấn công thì sẽ phải tranh chấp với những tiền vệ phòng ngự giàu sức mạnh. Đối với những cầu thủ Đông Nam Á vốn thua thiệt về hình thể, đó rõ ràng là bất lợi rất lớn. Trước đây, Huỳnh Đức được xem là chân sút có thể hình tốt bậc nhất của bóng đá Việt Nam, song sang Trung Quốc vẫn không là gì khi phải đua sức với các hậu vệ to cao ở đây, chứ đừng nói tại châu Âu. Công Vinh, Công Phượng thì quá nhỏ bé và yếu về tranh chấp trước những hàng thủ to cao ở Bồ Đào Nha và Bỉ. Trong khi đó, Tuấn Anh và Xuân Trường chưa bao giờ mạnh về sức cả.
Vị trí đá cánh không nhất thiết phải có thể hình quá cao to, song chiều cao 1m85 cùng sải chân dài của Văn Hậu vẫn là một lợi thế lớn trong trường hợp phải đua sức và không chiến với đối phương. Ngoài ra, việc đá ở cánh cũng giúp Văn Hậu có nhiều khoảng trống hơn, so với các tiền đạo và tiền vệ.
Tất nhiên, những phân tích trên chỉ là trong trường hợp Văn Hậu được trao cơ hội vào sân, còn trước mắt, anh phải nỗ lực hết mình trên sân tập cái đã.
Hai khó khăn của Văn Hậu So với những người đi trước, Văn Hậu có những thuận lợi nhất định. Nhưng bên cạnh đó, anh vẫn phải nỗ lực hết sức để vượt qua những khó khăn trong hành trình mới ở Heerenveen. Tại Hà Lan, Văn Hậu sẽ không phải rơi vào cảnh cô đơn trong những ngày đầu như Công Vinh trước đây và Công Phượng bây giờ. Nhưng không ai có thể theo Văn Hậu trên sân bóng hay lúc nào cũng thể có mặt trong phòng thay đồ. Bởi vậy, trở ngại ngôn ngữ vẫn sẽ là một khó khăn đáng kể đối với anh. “Văn Hậu đã không nói một chữ tiếng Anh nào trong buổi ra mắt. Khả năng giao tiếp của anh ta với toàn đội sẽ là dấu hỏi lớn”, trang VTBL của Hà Lan đã nhận xét như thế. Trước đó, chính ông Đoàn Quốc Thắng – bố của Văn Hậu – đã từng chia sẻ rằng: “Con tôi không biết ngoại ngữ, ra đường còn chưa ăn thông nói thạo. Người ta nói lên đá như thế nào, về đá ra sao không biết. Tôi lo là lo cái đấy”. Quả thật, để hòa đồng với tập thể mới, Văn Hậu sẽ phải tự thân vận động, và đó là điều không dễ dàng. Lê Công Vinh, một cầu thủ cũng biết tương đối tiếng Anh, từng trải qua một thời gian dài bị đồng đội ghẻ lạnh, không giao tiếp, dẫn đến những khó khăn trong tập luyện và thi đấu. Khó khăn thứ hai là về khía cạnh chuyên môn, khi Văn Hậu sẽ phải cạnh tranh với Lucas Woudenberg. Dù không quá xuất sắc, nhưng cựu tuyển thủ Hà Lan này chơi tương đối tròn vai, và đã rất hiểu các đồng đội trong ê-kíp phòng ngự do đã có 2 năm gắn bó. Tất nhiên, việc sắp xếp ai đá chính, ai dự bị, hay thay người như thế nào là quyết định của ban huấn luyện, song bóng đá là một môn thể thao tập thể, nên vai trò của đồng đội hết sức quan trọng. Màn ra mắt tương đối đình đám của Văn Hậu, cùng mức lương cao thứ 4 ở CLB, vô tình khiến anh bị chú ý hơn rất nhiều. Việc của Hậu bây giờ là chứng tỏ năng lực bản thân, cùng một thái độ cầu thị và hòa đồng, để tránh rơi vào tình cảnh bị đồng đội mới cô lập. Những khó khăn mới chỉ sắp bắt đầu thôi! |
Tuấn Cương
Tags