Cơ Bản là Cơ Bản (NXB Kim Đồng ) của tác giả Huy Thông mang đến cảm giác trong lành và dễ chịu, như bước vào một khu vườn sớm mai. Đây cũng được xem là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên viết về đề tài trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Trịnh Đặng Nguyên Hương (Viện Văn học), Cơ Bản là Cơ Bản là một tác phẩm thành công của tác giả Huy Thông. Đây có thể xem là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên viết về tuổi thơ thành phố với những niềm vui, nỗi buồn, bức bối và trăn trở trong đại dịch.
Tuổi thơ thành phố trong đại dịch
Kể từ giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 1993 do UNICEF tại Hà Nội cùng Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, đã từ lâu tác giả Huy Thông vẫn luôn ấp ủ dự định sẽ viết một tác phẩm cho thiếu nhi. Nhưng hạn chế về thời gian khiến anh chưa thể tập trung sáng tác. Cho đến khi rơi vào hoàn cảnh “trong cái rủi có cái may”, cũng là lúc cuốn sách thiếu nhi đầu tay của anh, có tên hóm hỉnh Cơ Bản là Cơ Bản ra đời.
Tác giả Huy Thông cho hay: “Hè 2021, tôi có tiếp xúc với F0 đúng vào thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Công tác kiểm soát dịch khi ấy hết sức chặt chẽ, tôi phải tự cách ly tại nhà trong vòng 1 tuần. Ý tưởng đã sẵn có, tôi quyết định dành thời gian cách ly để tập trung viết và cho ra đời tập truyện”.
Cơ Bản là Cơ Bản là câu chuyện kể về cậu bé Trần Cơ Bản, 12 tuổi, một học sinh thành phố phải đối mặt với những điều chưa từng xảy ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Không phải đến trường, Cơ Bản học online tại nhà. Thay vì giải trí, chơi đùa, cậu làm vè bán hàng giúp mẹ khi rảnh rỗi. Cơ Bản vốn học giỏi, khi học online cậu trở nên nổi tiếng như một “thần đồng” vì có năng khiếu đặt vè rất nhanh và hay. Cơ Bản vốn ít bạn, việc ở nhà học online khiến cậu bé gần như không có mối quan hệ bạn bè nào, dù là bạn ảo.
Ở đây, tác giả thể hiện sự nhanh nhạy của một nhà báo khi khởi bút bằng câu chuyện thời sự học online, được dư luận quan tâm thời gian qua. Đọc Cơ Bản là Cơ Bản, mỗi đứa trẻ sẽ thấy được hình ảnh của chính mình trong mùa dịch. Nhân vật chính Cơ Bản vốn là cậu bé học giỏi, ngoan ngoãn và có ý thức. Nhưng khi học online, cậu đã nghĩ ra rất nhiều mánh khóe, chiêu trò để qua mặt cô giáo chủ nhiệm. Với những mánh khóe, Cơ Bản có thể mặc quần đùi ở trong lớp, vừa học vừa ăn, vừa học vừa ngủ, đi lại trong nhà v.v… mà cô giáo không hề hay biết.
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện dở khóc, dở cười của Cơ Bản khi học online ở thành phố, tác giả còn dẫn dắt các độc giả nhí cùng với Cơ Bản khám phá một vùng núi quê hương đậm đặc văn hóa, gần gũi với thiên nhiên. Kỳ nghỉ hè, Cơ Bản được về quê nội - một vùng Mường Cổ Thanh Hóa. Tại đây, cậu được trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc như trò rối Chuộc, đêm Chèo Ma của người Mường. Với sự dẫn dắt của Huyền - cô em họ mê hát rap, cậu được học bơi trên sông, được cưỡi trâu, thả diều, tắm suối, v.v…
Sự hấp dẫn của tập truyện Cơ Bản là Cơ Bản có lẽ nằm nhiều ở phần xây dựng bối cảnh, không gian truyện. Những không gian nối tiếp và song hành: thành phố - đồng quê, miền xuôi - miền ngược, truyền thống - hiện đại. Tưởng như đối nghịch, nhưng bối cảnh truyện đã gắn kết và giao thoa mở ra một cuộc hành trình đi vào thế giới của tuổi thơ, thông qua những khám phá chưa từng có của nhân vật chính.
Từ một cậu bé “thần đồng” có phần kiêu ngạo, Cơ Bản nhận ra cậu “mít đặc” khi xa rời các bài học của sách giáo khoa khi ở thành phố. Việc được tiếp xúc trực tiếp và trải nghiệm thực tế qua cuộc phiêu lưu nơi quê nhà trong mùa giãn cách đã giúp cậu đánh thức sự háo hức tìm hiểu cái mới, khám phá những điều chưa biết với những bất ngờ, háo hức, buồn vui lẫn lộn, khác với một cuộc sống bí bách, tù túng trước đây.
Có lẽ hiếm một cuốn truyện thiếu nhi nào được sáng tác trong khoảng thời gian ngắn, chỉ vỏn vẹn 1 tuần lại chứa đựng nhiều câu chuyện chân thực, sinh động của tuổi thơ như Cơ Bản là Cơ Bản. Điều này không quá khó hiểu khi nội dung cuốn sách hầu hết là những dữ kiện, câu chuyện có thật xuất phát từ cuộc sống của chính tác giả. Ví như chi tiết Cơ Bản được bố đèo ra bãi giữa sông Hồng để tả con trâu, câu chuyện một cô bé bị nhốt trong thang máy, hay những trải nghiệm của Cơ Bản qua những lễ hội, phong tục người Mường... Tất cả đã gắn bó, hiện hữu và từng là cuộc sống của tác giả được tập hợp để viết lên truyện.
Hiểu trẻ và yêu trẻ
Nhiều người vẫn cho rằng, muốn viết cho thiếu nhi trước hết phải là người hiểu trẻ và yêu trẻ. Tình yêu này không chỉ giới hạn với con em trong gia đình mà phải bao gồm cả trẻ nhỏ ngoài xã hội, như vậy tác phẩm mới có chiều sâu. Điều này đúng với trường hợp của tác giả Huy Thông khi viết Cơ Bản là Cơ Bản.
Anh vẫn thường lắng nghe những đứa trẻ, thậm chí là ghi chép lại những câu chuyện chúng kể trong những lần đi thăm các cháu, hay chơi với nhóm trẻ ở khu nhà anh sống. Theo thời gian, những câu chuyện của những đứa trẻ cứ đầy lên trong anh, và được xâu chuỗi lại thành tác phẩm như cách truyện Cơ Bản là Cơ Bản được ra đời hết sức đơn giản.
“Tôi chơi được nhiều với trẻ con chắc là do cùng “đồng lõa” với chúng. Tôi hóa thành chúng và tôi chơi với chúng như những người bạn. Không hiểu sao tôi lại moi móc được những câu chuyện rất là thầm kín của lũ trẻ, và tôi chia sẻ và được chúng xem như bạn. Tôi rất vui vì điều này. Tôi đã khai thác được rất nhiều câu chuyện thú vị của những đứa trẻ quanh mình” - anh kể.
Bước vào thế giới trẻ thơ luôn là thách thức đối với các tác giả viết cho thiếu nhi. Có thể làm bạn được với những đứa trẻ chắc chắn là một lợi thế của tác giả Huy Thông khi viết Cơ Bản là Cơ Bản. Những câu chuyện được kể trong truyện gần gũi với giọng điệu, tâm lý của lứa tuổi nhi đồng.
Theo nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Trịnh Đặng Nguyên Hương, một trong những thành công của cuốn sách là lối viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh và tự nhiên. Ngay cách đặt nhan đề Cơ Bản là Cơ Bản, giống cách nói đời thường, rất gần gũi với các bạn nhỏ. Hay sự xuất hiện của những bài vè cũng khiến truyện trở nên mềm mại, uyển chuyển, có nhịp điệu, tạo sự hứng khởi, vui tươi trong câu chữ. Đây là cách viết khiến tập truyện dễ đọc, dễ gây được thiện cảm và thích thú đối với độc giả nhí.
Không chỉ dành cho thiếu nhi
Là một tác phẩm cho thiếu nhi, song không ngoa khi nói tập truyện Cơ Bản là Cơ Bản của tác giả Huy Thông hoàn toàn có thể dành cho người lớn, nhất là những bậc phụ huynh. Ở cuốn sách này, người làm cha mẹ có thể soi chiếu chính mình. Ngoài nhân vật chính là cậu bé Cơ Bản, truyện còn có một điểm sáng là nhân vật người bố của Cơ Bản - ông Trần Cơ Sở, một nhà nghiên cứu văn hóa. Ông bố của Cơ Bản luôn cố gắng đưa con đi ra ngoài để xem, nghe và biết về thế giới xung quanh. Chính ông bố ấy là người đã tạo ra những trải nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa cho con của mình.
Theo nhà nghiên cứu Nguyên Hương, nhân vật người bố trong truyện là một hình mẫu lý tưởng. Bởi lẽ, bố của Cơ Bản không bao giờ nói với con phải làm thế này, phải làm thế kia, hay bắt con phải học giỏi. Không bao giờ ông đưa ra những “nguyên mẫu” con nhà người ta để so sánh, thúc ép cậu con trai của mình. Thay vào đó, người bố này rất dịu dàng, luôn luôn lắng nghe, chia sẻ với con trai. Đặc biệt, ông bố của Cơ Bản vẫn thường hay “đồng lõa” với con trai, thậm chí mách nước cho con những câu chuyện hết sức nhỏ nhặt, đơn giản như chuyện khen mẹ.
Trong truyện, người bố của Cơ Bản cũng không đặt lên vai cậu bé bất cứ một áp lực nào về thành tích. Khi cậu có những khó khăn về bài tập làm văn chưa làm được, hay bị bạn bè trong lớp cô lập, ngay lập tức ông bố sẽ ngồi xuống, và lắng nghe cậu chia sẻ. Ông không chỉ bảo con nên thế này, nên thế kia mà ông sẽ có những câu hỏi gợi dẫn và Cơ Bản sẽ tìm ra cách tự giải quyết cho mình. Có lẽ đây là một hình ảnh người bố mà bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn có.
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Viết cho thiếu nhi để được quay về tuổi thơ và bớt đi những 'phàm phu' của cuộc đời
- Trao hơn 40 giải thưởng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi năm 2019
- Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi: Hãy bắt đầu từ đọc sách
Đặc biệt, khi bố của Cơ Bản nhận ra thời gian học online kéo dài khiến con trai thiếu đi tất cả những kỹ năng sống cơ bản nhất, ông đã tạo ra một cuộc “vượt thoát” cho cậu bằng một kì nghỉ hè. Với những tháng ngày cậu bé được “thả” ở quê, được tự do sống với đất, trời, nắng, gió, cùng những cậu bé, cô bé miền núi. Tất cả là những trải nghiệm quý giá mà ở thành phố Cơ Bản sẽ không bao giờ có được, đơn giản như cách nhóm bếp để nấu một gói mì tôm. Đó cũng là những kỹ năng sống mà người bố đã vun đắp cho Cơ Bản để cậu tự trải nghiệm và khám phá bản thân và thế giới xung quanh.
Sau cùng, hành trình của cậu bé Cơ Bản trong truyện là hành trình khám phá chính mình. Đúng như nhà nghiên cứu Nguyên Hương đánh giá, điểm nổi bật cũng là thành công của cuốn sách chính là từ đầu đến cuối đều xoay quanh câu hỏi: “Tôi là ai?”. Đó là một câu hỏi trăn trở, những đứa trẻ vẫn thường băn khoăn định vị mình là ai ở trong tọa độ cuộc sống, là ai trong trường lớp, gia đình với bố mẹ, thầy cô. Dưới lớp vỏ bọc của một câu chuyện vui nhộn, hài hước về lứa tuổi học trò, tác giả Huy Thông đã đặt ra một vấn đề rất nhân văn, rất người lớn cũng là những gợi mở để mỗi phụ huynh nên cho con trẻ những khoảng không gian để trải nghiệm và hiểu được mình là ai.
Ai đó đã từng nói: “Có hai món quà vĩnh cửu chúng ta cần trao cho con trẻ: Một là gốc rễ và hai là đôi cánh”. Trong cuốn sách Cơ Bản là Cơ Bản, tác giả Huy Thông đã làm được điều đó. Người bố của Cơ Bản đã bồi đắp cho con gốc rễ là tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, tình yêu đối với văn hóa, thiên nhiên, bạn bè. Và cũng tạo ra một khoảng không nhất định cho con có thể tung đôi cánh, để hiểu mình. Đó cũng là những giá trị cốt lõi và nhân văn của tác phẩm.
Nhà báo Phạm Huy Thông công tác tại báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN), từng đoạt giải thưởng “Cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi” năm 1993 do Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em, UNICEF tại Hà Nội cùng Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Sách đã in: Hoa chuối rừng (Tập thơ). |
Công Bắc
Tags