"Tôi cũng từng có lần đưa những ký họa này ra triển lãm tại Trường Sơn hoặc vùng tuyến lửa Thanh Nghệ Tĩnh. Còn giờ đây là cuộc triển đầu tiên trong thời bình" - họa sĩ Trần Huy Oánh nhỏ nhẹ nói. 77 tuổi, ông từng là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Hà Nội và có trong tay hàng loạt giải thưởng Quốc gia về mỹ thuật.
Khác với các tác phẩm từng được bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Việt Nam hoặc trong một số bộ sưu tập tại Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ... số tranh tại triển lãm lần này do Trần Huy Oánh sáng tác trong những đợt đi thực tế từ 1965- 1973. Đó là những chuyến đi tại đường mòn Hồ Chí Minh, giới tuyến Vĩnh Linh, cao nguyên Bô lô ven, cũng như những địa phương phía Bắc đang trở thành tâm điểm của chiến tranh phá hoại từ máy bay Mỹ.
Vẽ bằng chì than, màu nước, phấn nước, mực nho, bút sắt… ngần ấy bức tranh là ngần ấy câu chuyện về những anh lính thông tin giữa đại ngàn, về cô dân quân ở cầu Hàm Rồng, về bà mẹ Vân Kiều bịn rịn bên binh trạm ở ngầm Ta Lê, về những chiếc zin ba cầu nhọc nhằn vượt qua hố bom và những bụi cây cháy rụi trên con đường mòn nối liền Nam Bắc.
Vẽ nhanh và mang sự giản dị đặc trưng của ký họa, vậy mà những nét vẽ và mảng màu phết vội trong tranh Trần Huy Oánh vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt từ năng khiếu, kinh nghiệm và đặc biệt là con mắt sắc sảo của một họa sĩ chiến trường. Xa hơn thế, như chia sẻ của những đồng nghiệp đàn em có mặt tại triển lãm, ẩn sau những bức ký họa giản dị ấy là sự rung động đặc biệt của người vẽ, khi được sống và sáng tác trong chuỗi thời gian hào hùng và bi tráng của lịch sử.
Triển lãm Ký họa thời chiến diễn ra từ 8 - 19/11, hướng tới ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam ( 22/12).
Xem tác phẩm trong Ký họa thời chiến TẠI ĐÂY
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags