Anh đang là đương kim vô địch U21 châu Âu – giải đấu kiêm vòng loại môn bóng đá nam của Olympic mùa hè 2024. Song thế hệ tài năng ấy đành phải ngậm ngùi làm khán giả vì những lý do ngoài bóng đá.
Đó rõ ràng là một sự tiếc nuối lớn bởi Jude Bellingham, Kobbie Mainoo, Cole Palmer, Anthony Gordon… đang là những ngôi sao trẻ hàng đầu châu Âu, và ít nhiều đã chứng tỏ tài năng của mình tại EURO 2024 vừa qua.
Vô địch châu Âu, nhưng không thể dự Olympic
Với ba chức vô địch U21 châu Âu (1982, 1984, 2023), Anh là một trong những đội tuyển giàu thành tích nhất trong lịch sử giải đấu. Thành tích của họ sánh ngang Đức (3), và chỉ kém Tây Ban Nha, Ý (cùng 5 lần vô địch).
Hè năm ngoái, U21 Anh đã vô địch châu Âu với thành tích đáng kinh ngạc khi không thủng lưới một bàn nào, trong đó có chiến thắng 1-0 trước U21 Tây Ban Nha ở trận chung kết. Với 540 phút giữ sạch lưới, thủ thành James Trafford là thủ môn xuất sắc nhất giải, trong khi 3 hậu vệ của họ là Levi Cowill, Taylor Harwood-Bellis, James Garner đều nằm trong đội hình tiêu biểu, bên cạnh tiền vệ Curtis Jones, và chân sút Anthony Gordon – cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Thế nhưng các đại diện của châu Âu tham dự Thế vận hội mùa hè lại là á quân Tây Ban Nha cùng hai đội thua ở bán kết là Ukraine và Israel. Ngoài ra, còn có Pháp với tư cách nước chủ nhà. Còn những nhà vô địch thì nhận cúp rồi… ra về. Lý do xuất phát từ chính sự bảo thủ của người Anh.
Thật ra, nếu xét trong cả chiều dài quá khứ thì người Anh đang là đồng kỷ lục với 3 tấm HCV bóng đá nam (ngang Hungary). Song đó là từ cách đây hơn một thế kỷ, với rất nhiều khác biệt so với hiện tại. Năm 1900, môn bóng đá nam chỉ có… 3 đội, và CLB bóng đá nghiệp dư Upton Park – đại diện cho Vương quốc Anh (bao gồm Anh, Scotland, Bắc Ireland và Xứ Wales) đã đoạt HCV. Tương tự là các năm 1908 và 1912.
Sau này, khi các nước khác đã cử các cầu thủ chuyên nghiệp tham dự, Anh vẫn nhất quyết cử đội nghiệp dư. Sự bảo thủ này khiến thành tích tốt nhất của họ kể từ đó đến nay chỉ là vị trí thứ 4 ở Thế vận hội 1948. Thậm chí, họ còn không qua nổi vòng loại ở ba kỳ TVH liên tiếp (1964, 1968, 1972). Đến năm 1974, Vương quốc Anh mới quyết định cử đội chuyên nghiệp đi, nhưng vấn đề là Liên đoàn bóng đá Anh (FA) lại từ chối, dẫn đến việc họ vắng mặt ở sân chơi này suốt… 40 năm sau đó.
Anh, hay Vương quốc Anh?
Chính sự rắc rối trong việc định danh các VĐV và các đội tuyển dự Olympic đã khiến người Anh rơi vào vòng luẩn quẩn. Trong quần vợt, không ít người từng bảo rằng "Nếu Andy Murray thắng, anh ta là người Vương quốc Anh, còn nếu thua, anh ta là người Scotland". Sự phân biệt giữa người Anh, người Scotland, hay phần còn lại của Vương quốc Anh đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội của bóng đá Anh ở đấu trường Olympic.
Từ năm 1992, VCK U21 châu Âu được coi như vòng loại Olympic, bóng đá Anh đã 4 lần vượt qua vòng loại nhưng không thể tham dự vì lý do bất đồng giữa các liên đoàn bóng đá của Vương quốc Anh. Scotland đều lọt vào bán kết các giải U21 châu Âu 1992 và 1996 và về lý thuyết đủ điều kiện dự Thế vận hội, nhưng họ không muốn góp mặt với tên gọi Vương quốc Anh vì e ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến "vị thế độc lập" của mình. Đến giải U21 châu Âu 2007, U21 Anh của những Joe Hart, Ashley Young, James Milner, Leighton Baines, Gary Cahill,… cũng lọt vào bán kết và xuất sắc giành vé, song cũng không thể tới Bắc Kinh vì lý do tương tự Scotland năm xưa.
Mãi tới năm 2012, khi Anh là nước chủ nhà và nghiễm nhiên có vé, các LĐBĐ thành viên mới miễn cưỡng thành lập đội tuyển Vương quốc Anh và họ đã góp mặt ở sân chơi Olympic lần đầu tiên sau… 52 năm. Đội hình năm ấy bao gồm các ngôi sao của Anh và Xứ Wales (Scotland và Bắc Ireland không cử cầu thủ) như Daniel Sturridge, Aaron Ramsey, Micah Richards, Joe Allen, Craig Bellamy, do danh thủ Ryan Giggs làm đội trưởng. Mặc dù vượt qua vòng bảng, nhưng đội chủ nhà sau đó đã bị Olympic Hàn Quốc loại trên chấm 11m khi Daniel Sturridge đá hỏng quả luân lưu ở lượt cuối cùng.
Sau kỳ TVH ấy, mọi chuyện đâu lại vào đó khi các LĐBĐ không tìm được tiếng nói chung. Và thế là, chỉ việc tham dự Olympic thôi cũng đã là giấc mơ của các cầu thủ Vương quốc Anh, chứ đừng nói đến việc giành huy chương.
Các đồng nghiệp nữ Anh thì sao?
Cũng với lý do như các cầu thủ nam, bóng đá nữ Vương quốc Anh đã vắng mặt ở 4 kỳ Thế vận hội đầu tiên, kể từ khi bóng đá nữ được đưa vào chương trình thi đấu (1996, 2000, 2004, 2008).
Năm 2012, đội nữ Vương quốc Anh cũng tham dự với tư cách chủ nhà. Họ toàn thắng 3 trận ở vòng bảng trước New Zealand (1-0), Cameroon (3-0), và nhất là Brazil (1-0). Nhưng ở tứ kết, đội chủ nhà đã thua Canada 0-2. Tại Tokyo 2021, đội nữ Vương quốc Anh cũng giành quyền tham dự và vượt qua vòng bảng với ngôi đầu khi thắng Chile (2-0), Nhật Bản (1-1), và hòa Canada (1-1). Song đến tứ kết, họ lại dừng bước trước Australia sau 120 phút thi đấu với tỷ số 3-4.
Vòng loại bóng đá nữ Olympic 2024 khu vực châu Âu chính là giải đấu UEFA Nations League nữ. Đội tuyển nữ Anh cũng tham gia, nhưng không lọt được vào vòng chung kết. Hai đội cuối cùng giành vé đến Paris là Tây Ban Nha – đương kim vô địch thế giới - và Pháp.
Tags