(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo Di sản Nizami Ganjavi dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam nhân kỷ niệm 880 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà hiền triết Nizami Ganjavi (1141-2021).
Trước đó, ngày 5/1/2021, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev đã ký tuyên bố “Năm 2021 là năm Nizami Ganjavi” tại quốc gia Tây Á này.
Khi được mời viết bài cho Hội thảo này, không riêng tôi đều có nỗi băn khoăn dường như chưa có khái niệm gì về nhà thơ Nizami Ganjavi cũng như nguồn tư liệu thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cùng chung tâm trạng đó. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ mong muốn sắp tới thơ của Nizami Ganjavi sẽ được dịch sang tiếng Việt và ngược lại thơ Việt sẽ được dịch sang tiếng Azerbaijan. Tác phẩm văn chương được đăng tải trên các ấn phẩm của Hội Nhà văn 2 nước. Nhà thơ Trần Đăng Khoa sẵn sàng làm một dịch giả. Văn chương sẽ là tấm “vé thông hành” để người dân có cơ hội hiểu biết về nền văn học và truyền thống văn hóa của 2 quốc gia Việt Nam và Azerbaijan vốn có nhiều nét tương đồng.
Nhà hiền triết đức độ
Nezami, hoặc Nizami (1141-1209) là một nhà thơ, nhà triết học vĩ đại người Azeri nổi tiếng thế kỷ 12. Nizami Ganjavi là bút danh. Tên thật của ông là Ilyas Yusif Oglu.
Nizami Ganjavi sinh năm 1141trong một gia đình nghệ nhân thành đạt tại thành phố Ganja. Đây là thủ phủ của Arran (vùng Transcaucasian Azerbaijan) là 1 trong những thành phố đẹp nhất ở Tây Á.
Bố mất sớm, Nezami được mẹ và cậu Khwaja Umar nuôi dạy, cho học hành chu đáoở Madrasah. Nezami học rất thông minh có thể tự học, tự nghiên cứu các ngành khoa học trung cổ. Ngoài văn học Ba Tư, văn học Ả rập, Nezami còn thông thạo toán học, thiên văn học, triết học, thần học và chiêm tinh học… Nizami được tiếp cận với các tác phẩm văn học viết và văn học truyền miệng của vùng Cận Đông giàu tư tưởng, độc đáo và đa thanh.
Đời tư của nhà thơ khá lận đận. Nezami kết hôn 3 lần. Người vợ đầu của ông là Afal (Appag-White) người Thổ Nhĩ Kỳ là quà tặng của Darband, Seyfaddin Muzaffar - một lãnh chúa trong vùng dành cho Nizami khoảng năm 1169 - 1170. Cô gái nô lệ đó sau này trở thành người vợ hiền mà nhà thơ rất mực trân trọng, yêu quý. Kết quả tình yêu của họ là sự chào đời của con trai Muhammad vào năm 1174.
Nhưng bà Afaq ra đi sớm khi ông vừa viết xong tác phẩm Khosrow và Shirin. Sau đó, ông tái hôn 2 lần, nhưng cả 2 người vợ đều bỏ ông đi trước.
Nhà thơ Nizami chưa bao giờ rời khỏi Ganja. Ông sống đức độ, khiêm tốn, trọng nhân cách, từng từ chối đề nghị trở thành một nhà thơ của triều đình. Điều quan tâm nhất của ông là lao động sáng tạo. Nizami mất năm1209. Tôn vinh ông, Lăng Nizami được xây dựng tại thành phố Ganja - thành phố lớn thứ 2 của Azerbaijan (sau Baku). Năm 1947, lăng được xây dựng lại thay cho lăng mộ cũ đã bị sụp đổ và năm 1991 lăng được xây dựng lại đẹp, bề thế hơn.
Tính nhân văn cao cả
Hiện tác phẩm của Nezami còn lại cuốn Divan khoảng hơn 100 bài thơ các thể loại. Theo các chuyên gia trung cổ, đây chỉ là một phần thơ trữ tình của ông.
Trong 30 năm cuối của cuộc đời, Nizami đã sáng tác 5 bài thơ lớn với khoảng 60.000 dòng. Sau khi ông qua đời, những tác phẩm ấy được tập hợp mang tên chung là Khamse (Năm). Thật may mắn Khamse được lưu giữ đầy đủ đến ngày nay còn 5 tác phẩm đồ sộ: Makhzan Al-Asrar (Kho tàng bí mật, 1163-1176); Khusraw O Shirin (Khosrow và Shirin, 1177-1180); Layla And Majnun (Chuyện tình Layla và chàng điên, 1192); Haft Peykar (Bảy người đẹp, 1196); Iskander Name (Sách về Alexandros Đại đế, khoảng 1203). 3 bài thơ Kho tàng bí mật, Khors và Shirin và Chuyện tình Layla và chàng điên đề cập đến những giai đoạn tuổi trẻ và trưởng thành của nhà thơ. Những lời phàn nàn về tuổi già và bệnh tật xuất hiện trong bài thơ Bảy người đẹp khi Nizami khoảng 60 tuổi (năm 1197). Iskander Name được hoàn thành khoảng năm 1203 sẽ nhận thấy dấu vết của thời gian kề cận cái chết.
Nizami Ganjevi là nhà thơ đằm mình giữa thiên nhiên tươi sáng với sắc màu khí hậu ở đất nước Azerbaijan. Vẻ đẹp của thiên nhiên bản địa được ca ngợi trong các tác phẩm của ông. Bức tranh thiên nhiên ấy đẹp hơn bởi có sự có mặt của em - người phụ nữ Azerbaijan: “Nàng chọn những nơi phù hợp với sắc đẹp nàng/ Vào mùa hoa, nàng sẽ đến Mugan/ Để đặt chân gót đỏ lướt trên đồng cỏ/ Vào mùa Hè, nàngđến vùng núi Arman/ Mùa Thu đến, nàng tha thẩn ở Abkhaz/ Khi Đông về, nàng yêu thích Berda hơn” (Khosrow và Shirin).
Tác phẩm của Nizami Ganjevi mang tính nhân văn cao cả, thấm đẫm tư tưởng nhân đạo, yêu thương, trân trọng số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Ông đã đưa những lý tưởng nhân văn cao cả và những thành tựu mới vào văn học của các quốc gia Cận Đông và mở ra một hướng đi mới trong văn học phương Đông.
Trong thơ, Nizami Ganjavi thường sử dụng hình ảnh đối lập giữa người phụ nữ xinh đẹp, dũng cảm, có tinh thần đấu tranh anh dũng… với hình ảnh người đàn ông hèn nhát, thiếu phẩm chất người. Ông chứng minh rằng một người phụ nữ có thể tham gia vào nhiều hoạt động một cách bình đẳng. Việc nhà thơ kết hôn với người phụ nữ nô lệ cho thấy ông không bị trói buộc, chịu những rào cản bởi đẳng cấp xã hội. Vượt qua mọi sự kỳ thị, ông trân trọng đón nhận tình yêu bằng trái tim mách bảo. Ông nhìn người phụ nữ ở vẻ đẹp tâm hồn, phẩm giá. Nizami là nhà thơ đầu tiên của văn học phương Đông miêu tả phụ nữ với những phẩm chất nhân văn cao đẹp.
"Chuyện tình Layla và chàng điên"
Một trong những tác phẩm Khamse nổi tiếng của ông là Layla And Majnun (Chuyện tình Layla và chàng điên) viết năm 1188 bằng tiếng Ba Tư. Đây là truyền thuyết tình yêu nổi tiếng thế giới giống như Romeo và Juliet. Trường ca Layla And Majnun được nhà thơ Nezami khai thác từ truyền thuyết Ả rập. Câu chuyện tình yêu nhuốm đầy bi kịch. Mô-típ này ta thường thấy trong văn học thế giới, trong đó có Việt Nam. Layla yêu Qays từ thuở nhỏ, nhưng khi lớn lên, cha cô ngăn cấm không cho họ đến với nhau. Bố mẹ Layla gả cô cho người khác (có nhiều dị bản). Cuồng dại khi mất người yêu, chàng Qays đã mắc bệnh tâm thần. Từ đó, bộ tộc gắn cho chàng Qays là Majnun (Majnun theo tiếng Ả rập nghĩa là kẻ điên vì tình, bị thần Jinn trói buộc). Chàng bỏ đi về sa mạc làm thơ về người yêu dấu của mình.
Còn nàng Layla đau khổ vì không lấy được Qays, bất hạnh trong hôn nhân, nên đã chết trên sa mạc. Chàng Qays tìm đến mộ Layla và chết ở đó. Bao bài thơ chàng điên dành cho người yêu dấu: “Mải miết tìm, em yêu ở nơi đâu?/ Bao chiều vắng nhuộm hồn anh hoang dại/ Trái đất thiếu em trái tim anh thắt lại/ Nước mắt tuôn cả sa mạc thành sông” (Phong Hương dịch).
Sau đó, người ta tìm thấy xác Qays trên mộ với những vần thơ về mối tình dang dở. Bị chia cắt trong nhân gian, họ cuối cùng đã tìm thấy nhau ở một cõi khác.
Họ ngủ say bên nhau đến muôn đời
Họ ngủ say bên nhau đến ngày phán xét…
Tác giả đồng cảm tự đặt câu hỏi sao những kẻ yêu nhau lại chỉ nhận được những nỗi đau khổ nơi trần thế. Không lấy nhau được khi sống, họ đã ở bên nhau trong giấc mơ nơi thiên đường. Tình yêu không chết. Tình yêu đã làm cho 2 linh hồn quấn quýt bên nhau.
- Bí ẩn 'ban công tình yêu' trong 'Romeo và Juliet'
- Romeo và Juliet lên phim hoạt hình
- Romeo và Juliet: Có xa lạ với khán giả Việt Nam?
Ý nghĩa của trường ca này là tình yêu chỉ có thể tìm thấy lối thoát ở thơ ca, để thơ ca dẫn những kẻ yêu nhau đến sự hòa nhập tâm hồn.Tình yêu dâng hiến vẹn nguyên: “Nguyện cuộc đời anh dành tặng riêng em/ Dù chia cách tạc lời nguyền vàng đá/ Điều kỳ diệu tình yêu là tất cả/ Cảm ơn Trời mang em đến duyên thiên”;“Đừng khóc nào em yêu/ Dáng yêu kiều đằm thắm/ Tạc hình em vào đất/ Quỳ xuống lệ tuôn dày” (Phong Hương dịch)…
Hiện trên mộ nàng Layla tương truyền được khắc trên đá những câu thơ cuối cùng của Qays: “Tôi đã đi qua thị trấn Layla/ Hôn lên những bức tường lặng đá/ Trầm tích kết một tình yêu yên ả/ Em - Đấng ngự trị của tôi làm nên thị trấn này” (Phong Hương dịch).
***
Tác phẩm của Nizami Ganjevi là đỉnh cao của thời kỳ Phục hưng phương Đông, phản ánh nghệ thuật tươi sáng của lòng nhân đạo, chính trị, xã hội và đạo đức cao cả trong thời đại của ông. Việc mô tả thế giới nội tâm, cảm xúc, suy nghĩ của một người cùng với sự phát triển năng động của các nét tính cách của người anh hùng là mục tiêu, là nội dung cơ bản trong phong cách thơ Nizami. Những bài thơ của Nizami Ganjevi đã đóng một vai trò to lớn trong việc làm phong phú thêm chủ đề tình yêu, vốn đã phổ biến rộng rãi trong văn học phương Đông.
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags