(Thethaovanhoa.vn) - Trương Điện Thắng đã xuất bản nhiều tập sách viết về miền quê Quảng Nam. Làng xứ Quảng đánh dấu một bước mới, với cách viết đan xen giữa khảo cứu và tản văn, lịch sử và trữ tình, hoài niệm và cảm thức.
Sự trộn lẫn giao thoa này tạo nên sức hấp dẫn, tránh được sự khô khan, bởi những trích dẫn tư liệu hàn lâm được bù đắp bằng lòng yêu thương mênh mang với làng quê và lối viết giàu tính văn chương của anh.
Sách được chia thành 3 phần (Làng Quảng, Nhật ký ở làng, Không gian sống ở làng) nhưng vẫn có sự liền lạc tiếp nối gắn bó trong một chủ đề: Tâm thức làng xứ Quảng. Trong quá trình nghiên cứu, không chỉ trích dẫn những tư liệu cổ, tư liệu lịch sử từ xưa đến nay cũng như trong và ngoài nước, tác giả còn tìm đến những gia phả, hương ước, những “tỉnh chí, xã chí, thôn chí” và những cuộc điền dã, thám sát và khảo cỏ nhằm truy nguyên, lý giải phân tích về nguồn cội, văn hóa truyền thống, từ ý thức đặt tên làng, lập làng, dòng tộc, tập tục, lễ nghi thờ cúng, hình thái sinh hoạt…
Anh dựa trên cơ sở nghiên cứu, đối chiếu, so sánh những làng quê Bắc bộ để tìm ra những đặc trưng văn hóa của làng Quảng để làm rõ yếu tố gì là chung, là tiếp truyền, yếu tố gì là tiếp biến, khác biệt.
Từ những lưu dân Thanh, Nghệ…
Về gốc tích, nhiều người Quảng Nam vốn là những lưu dân xứ Thanh Nghệ từ những đợt di dân từ Đàng Ngoài vượt đèo Hải Vân vào Đàng Trong. Những người đi mở cõi “đâu có thong dong ngồi một chỗ” để có thức ăn sẵn, nên phải “sáng tạo ra cách chế biến để ăn nhiều ngày, hoặc tận dụng những gì gặp trên đường để làm ra món ăn tại chỗ”.
Hoàn cảnh “vừa đi vừa ăn” ấy đã tạo ra những món ăn “riêng có” của xứ Quảng, xứ Đàng Trong. Ví dụ bánh tét là biến tướng của bánh chưng ở Đàng Ngoài, vì dài đòn dễ mang, ăn được nhiều lần. Bánh tráng/đa cũng thế, đi đường dài ngày, chỉ cần nhúng nước hoặc nướng là có món ăn qua bữa. Đoàn quân của Nguyễn Huệ trên đường xuất chinh ra Bắc cũng là “vừa đi vừa ăn” theo kiểu đó. Ở Quảng Nam, món khoai chà, lẩu hoặc nộm, đặc biệt là mì Quảng, cũng thường theo cách “gặp gì thì chế biến nấy”.
Vùng đất bên sông Thu Bồn không hề bình yên, vì nơi này thường xảy ra chiến tranh với Chiêm Thành, với quân binh nhà Mạc. Bởi thế, đã từng tồn tại một đơn vị hành chánh gọi là “giáp” trong tư liệu cổ. Thực chất đó là tên gọi của làng, theo cách giải thích của tác giả, vì “giáp” là một đơn vị hành chánh như làng, nhưng đồng thời còn mang ý nghĩa quân sự “làng chiến đấu”.
Vùng đất này còn trải qua một quá trình tiếp cận và dung hòa với văn minh Chăm Pa, qua biểu hiện về tên gọi các địa danh. Thậm chí, một vài làng Việt đã xây dựng một số đình chùa, miếu mạo trên những di tích văn hóa Chăm. Ở làng Thanh Quýt còn lại những hình thái sinh hoạt do ảnh hưởng của người Chăm như trò chơi ù mọi, tục cúng đất, hoặc tá thổ để tạ ơn “đã khai canh khai cư ra mảnh đất mà nay ta an cư”. Nông dân dẫn trâu đi cày vẫn hay giục trâu bằng những từ của người Chăm như “hò rì hò tắt”…
Quảng Nam theo Ô châu cận lục (ấn hành năm 1555) của Dương Văn An có 66 làng cổ, ngày nay có một số tên làng mất đi, nhưng cũng xuất hiện một số làng mới. Làng nào cũng giữ truyền thống văn hóa từ xưa, đều có đầy đủ đình, chùa, miếu mạo, nhà thơ tiền hiền khai canh khai khẩn, miếu thờ thành hoàng - người có chức sắc và công trạng với làng… Theo cùng là những tế lễ với những nghi thức lễ vật cúng bái trang trọng được duy trì hàng năm.
... Đến nguyên khí của làng
Trương Điện Thắng luôn có những phát hiện bằng những chi tiết khá bất ngờ. Chẳng hạn, việc lập và giữ gìn gia phả được xem là tối quan trọng, thiêng liêng. Người được giao trách niệm “đòi hỏi người đó phải có cuộc sống chuẩn mực, gương mẫu”. Có người được giao trách nhiệm giữ gia phả đã nói: “Việc lớn nhất của đời tôi là giữ được bửu bối của tổ tiên để lại cho dù phải chết đi…”. Từng có người, khi nhà cháy, vẫn lao vào ôm ống tre chứa phả hệ của dòng tộc, bị lính Mỹ bắn chết, bởi người làng luôn quý trọng những gì thuộc về truyền thống, những di sản có tự xa xưa.
Rồi, với anh, cổng làng là một công trình kiến trúc mang nhiều ý nghĩa, vì đó là “một ranh giới mang tính ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng”, đồng thời “là chứng nhân của những đổi thay thời cuộc”, là biểu hiện của hồn quê “thể hiện chiều sâu văn hóa”. Những câu đối thường được chạm khắc trên các cổng làng thể hiện một thông điệp riêng của làng…
Đình làng là nơi thờ các vị tiền hiền, thành hoàng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, hội hè, khuyến học… Đình được xem là nơi hội tụ nguyên khí của làng. Vì chiến tranh, có nơi đình làng bị hư hại, làng thì nghèo, thế mà khi nghe xây dựng phục hồi đình làng, mọi người đều đồng lòng đóng góp.
- Ra mắt bộ sách 10 tập về 'trí tuệ xúc cảm' của mỗi người
- Hà Nội vừa quen vừa lạ qua sách pop-up 'Hà Nội ngàn năm ký ức'
- Chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8
Là đất học của xứ ngũ phụng tề phi, để tôn vinh việc học, hàng năm đa số các làng xứ Quảng đều tổ chức những lễ xướng danh các sĩ tử đỗ đạt tại đình làng. Bia dựng trước Văn Thánh nơi thờ Khổng Tử (Điện Bàn) khắc Khuynh cái hạ mã, nhằm nhắc nhở dù bất cứ ai qua đây đều phải “nghiêng lộng xuống ngựa”, cũng nhằm tôn vinh sự học ngày xưa. Làng xứ Quảng ngày nay đều thành lập hội khuyến học, là một sự tiếp nối truyền thống hiếu học của người làng xứ Quảng…
Trong một loạt bài tản văn viết về tình yêu nỗi nhớ đối với ngôi làng Thanh Quýt của mình, tác giả khiến người ta đọc mà không khỏi nặng lòng. Những hình ảnh như cây chim chim, lũy tre, đồng dao, Tết nghèo, ngõ nhà, ngõ làng, khói đốt đồng, cây đa sân đình… trong dòng chảy của ký ức - hiện tại hiện lên man mác, xao xuyến, u hoài, nhưng cũng đầy âu lo trước sự đô thị hóa làng quê.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng khẳng định: “Viết sử làng khó hơn viết sử của dân tộc”. Viết Làng xứ Quảng, Trương Điện Thắng đang làm cái việc khó ấy. Anh viết biên khảo bằng ngòi bút đầy tâm cảm của một nhà văn, một thi nhân. Đọc Làng xứ Quảng chắc hẳn bạn đọc sẽ hòa vào dòng sử ký và tâm thức của tác giả để mà yêu thương hơn ngôi làng của chính mình. Cho dù, nếu bạn chỉ còn một ngôi làng trong ký ức và chuyện kể.
Hồ Sĩ Bình
Tags