Đọc 'Những tùy bút cuối cùng' của Du Tử Lê: Trọn một đời nhớ

13/10/2020 10:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời”, câu thơ cố thi sĩ Du Tử Lê (1942 – 2019) viết từ năm 1990 như một lời giãi bày cho toàn bộ sự nghiệp của mình, một sự nghiệp dài, vắt ngang 2 thế kỷ với những thăng trầm biến động của thời cuộc mà nhà thơ đã ký thác vào trang sách, trở thành chủ đề xuyên suốt từ tác phẩm đầu tiên đến tác phẩm cuối cùng được xuất bản sau khi qua đời: Những tùy bút cuối cùng (Phanbook và NXB Phụ Nữ, 2020).

Vài kỷ niệm với Du Tử Lê

Vài kỷ niệm với Du Tử Lê

Tin nhà thơ Du Tử Lê từ trần ở tuổi 77 tại ở thành phố Garden Grove, California (Mỹ) vào ngày 9/10/2019 loang nhanh trên mạng xã hội, đến với tôi vào giữa cuộc rượu cùng bạn bè ban trưa. Chúng tôi cùng nâng ly để vĩnh biệt người bạn thơ nơi xa xứ.

1. Tác phẩm Những tùy bút cuối cùng tập hợp những bài tùy bút được khởi sự viết từ năm 2018 đến năm 2019, có những bài đăng báo được trau chuốt lại, có những bài viết mới. Bản thảo hoàn chỉnh được chuyển cho đơn vị làm sách chỉ ít tháng thì nhà thơ qua đời. Vì thế những bài tùy bút trong tập sách này không định trước mà trở thành những lời cuối.

Cuối mà không kết, đột ngột mà không dở dang, Những tùy bút cuối cùng đã trọn vẹn với lời giao hẹn “đủ hết đời” gắn mình với nỗi nhớ, với kỷ niệm về bằng hữu văn chương, với thời mà ông sống. Thời mà ông nhắc lại nhiều lần trong sách: Hai mươi năm văn học miền Nam (1954 - 1975). 20 năm ấy có những khuôn mặt, những hiện tượng, những bi kịch ngấm ngầm mà hậu thế ít biết đến, nếu không có một nhân chứng như Du Tử Lê thuật lại cho chúng ta.

Bởi định mệnh không chỉ chọn lựa Du Tử Lê làm kẻ du tử hát ca cho những sướng vui trần thế và sầu thương cho khổ đau, buồn tủi của kiếp người. Chiếm phần lớn dung lượng của tập tùy bút này là những điều “chung” ấy, bởi nhạc Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, tranh Đinh Cường, Nguyên Sa… tất cả đều trở thành ký ức tập thể, mà Du Tử Lê chỉ muốn góp thêm đôi điều nhận định, kể thêm đôi chuyện “hậu trường” để thế hệ sau được rõ, để cái phần chung ấy thêm đầy đặn.

Ở những trang viết này, ta không thấy rõ sự biên biệt giữa tùy bút, hồi ký và phê bình văn học. Tất cả cũng thành chung nhất trong một cõi miên man mà tác giả không muốn quá rạch ròi như sợ những định nghĩa về thể loại sẽ làm vỡ cái không khí chung của tác phẩm. Bởi tất cả đã qua rồi, tất cả đã thuộc về thì quá khứ. Và tới lượt mình, thi sĩ Du Tử Lê cũng về thế giới của những bạn bè xưa cũ, như câu thơ của ông: “Kẻ lìa ta cuối cùng/ là một ta, tơi tả”.

Chú thích ảnh
“Những tùy bút cuối cùng” của Du Tử Lê

Lìa bỏ, nhưng không đứt đoạn, bởi như nhà thơ viết trong tập sách này: “Mọi người vẫn còn đâu đó, trong những góc khuất, đêm. Sài Gòn. Xưa. Có thể mọi người đã chính là những đêm mưa, những vạt trăng, những miếng mosatic; những miểng thủy tinh vỡ, găm trên bờ tường đau thương quá khứ…”. Tất cả sẽ trở về trong những hóa thân, bởi vì, như Du Tử Lê viết: “Không ai thực sự bỏ đi khỏi đất nước mình”.

2. Đi giữa một đời sống chung ấy, đến đoạn cuối sách, thi sĩ Du Tử Lê rẽ lối tìm cho mình một góc khuất yên ổn làm riêng. Đến đây, ông không còn nhắc nhiều đến những con người thuộc về ánh hào quang, ông nói về những người bạn không sẻ chia cùng ông cái nghiệp nghệ thuật nhưng đã có lúc đi cạnh nhau trong quãng đời tuổi trẻ.

Đoản thiên Những thần tượng của tôi gợi cho ta ít nhiều đến tiểu thuyết nổi tiếng một thời, Ngựa chứng trong sân trường, với những dân “anh chị”, những trận “pạc-co” tỉ thí võ công và cả những bi kịch không còn gói gọn trong sân trường. Để sau tất cả, “mọi hận thù, mơ ước của một thời trẻ dại, tựa vết mực đã phai, màu son đã nhạt. Tôi nghĩ, dù kéo dài thêm được bao lâu, thì đời sống chúng ta cũng chẳng còn mấy” và ao ước của tác giả chỉ giản đơn là được gặp lại người bạn học cũ.

Còn Ông Mèo Rừng, tác phẩm cuối cùng trong Những tùy bút cuối cùng lại là truyện ngắn mà có lẽ nhà thơ không cần dụng công hư cấu nhiều. Ông để nhân vật nói thay lời mình: “Cố mà sống, gắng mà sống, Quyên à. Niềm tin, đến một mức độ nào sẽ thành chiếc khóa mở được cánh cửa mơ ước. Khi ấy chính là lúc ta sống được cái đời sống lẽ ra ta phải có”. Chính thi nhân đã dành đời mình để chứng minh cho niềm tin ấy.

Nhà thơ trở về, bằng những chuyến đi thực tế và bằng tâm tưởng, như một lời nguyện ước nhớ nhau đến hết đời. Tất cả đều được khóa chặt bằng “nhớ”. Vì đời sống ngắn ngủi mà nỗi nhớ thì dài, nên dẫu có đi qua bao nhiêu trang văn cũng không kể đến kiệt cùng hoài niệm.

Chung Bảo

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm