Sáng 26/7 tại Hội Nhà văn Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm về sách Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 (NXB Văn học, 2022) của PGS-TS Trần Thị Trâm. Tôi đã đọc và học được thật nhiều từ sách này.
Ngoài phần dẫn luận khá tường tận, sách này còn sưu tầm được 500 câu thành ngữ - tục ngữ, 500 câu ca dao, 150 truyện cười thời hiện đại. Đây quả là một "văn vị thời trân", một mâm cỗ tinh thần phong phú của người ham học.
Từ đúc kết những cái mới
Văn học dân gian đương đại ở sách này truyền niềm vui sống cho chúng tôi, như nó đã từng làmtrăm năm, nghìn năm trước. Vui sống với cả trời xanh trên đầu mình: "Bắc thang lên hỏi ông trời/ Con muốn cưa gái ông thời dạy sao?/ Ông trời quay mặt lại gào/ Tao còn đang học, làm sao dạy mày" (trang 255).
Hóa ra, trời già còn rất trẻ, còn đang tuổi yêu! Và có phải vì mải yêu mà ông cũng có phần tốn kém như những tình si trần thế, cũng lúng túng chuyện tiền bạc khi "viêm màng túi": "Bắc thang lên hỏi trời cao/ Rằng nợ tín dụng làm sao mà đòi/ Trời rằng ngu quá thằng này/ Tao còn mất trắng, ngữ mày đòi sao".
Vẫn bàn chuyện yêu đương đại, văn học dân gian lại còn biết vui phê phán! Phê những tình si quá đà, ăn theo, ăn vụng miếng ngon của bà hàng xóm: "Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm… gấm…em thường tới lui" (trang 259).
Sách này còn đúc kết những cái mới: "Ăn Cấm Chỉ, nghỉ Gia Lâm, châm Thanh Nhàn, tàn Văn Điển". Nếu mà chen hàng sống gấp, sống vội, sống thả phanh, cứ "Ăn rau má, phá đường tàu, đục ống dẫn dầu, cắt dây điện thoại" thì rồi "An toàn là bạn, tai nạn là... vào hòm" (trang 228).
Trong sách, những kinh nghiệm sống được văn học dân gian đương đại nâng thành triết lý nhân sinh đậm màu sắc giễu nhại: "Ghế thì ít, đít thì nhiều/ Cho nên đấu đá là điều tất nhiên".
Theo triết lý ấy, đời ai có dài tới tuổi "…một trăm cưa gái vẫn tài như xưa", thì rồi cũng tới lúc "Trăm hai, ngơi nghỉ trong nhà/ Rồi lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân" (trang 298). Bài lục bát ngắn chẳng tày gang của các tác giả dân gian vẫn đủ chỗ để trí tuệ bác học giăng hàng những khái niệm cao siêu, nào là hạ tầng, thượng tầng, nội hàm, ngoại diên, nào là vận động và phát triển…Nhưng tất cả chịu thua một gà khỏa thân ăn được, thơm tho, mềm mại, mỡ màng… của người bình dân.
Đọc sách này mới ngộ ra, ở thời văn minh nghe nhìn, với bao tiện nghi về giao thông và truyền thông, vậy mà con người hiện đại Việt Nam vẫn tìm ra những môi trường diễn xướng tuyệt hảo để văn học dân gian sinh nở và trường tồn.
Cho đến mỹ từ pháp mới
Nếu tìm những bài học mỹ từ pháp, những phép văn mà các tác giả vô danh đã làm trong quá trình sáng tác văn học dân gian đương đại, thì sách này có nhiều hơn các sách về văn học dân gian đã trình làng trước đây.
Tôi học được cách "đột biến khí văn" để chuyển sắc thái tư tưởng.
Ngày xưa ca dao thở than thê lương, thảm thiết: "Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu", xưa mù mịt, hoang vu rừng núi. Nay rành rẽ tiếng Tây, tiếng Tàu, để mà giễu nhại, cười cợt những kẻ thực dụng, không ngại lừa cả mẹ đẻ của mình: "Má ơi đừng gả con xa/ Gả qua Mỹ quốc, Canada được rồi" (trang 285). Cũng cách đột biến ấy: "Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên di động chỗ mình…mất ngay" (trang 280).
Cách dồn vào một chữ tên riêng, chuyện đời cay như ớt của người có tên ấy: "Học làm chi! Thi làm chi!/ Tú Xương còn rớt hống chi là mình" (trang 278). Cách "mô-li-phê" nguyên ca từ một ca khúc có trong giáo khoa thư, để kịp cập nhật thời sự dịch bệnh: "… Gà mà không gáy là con gà toi/ Đi trong sân tung tăng bắt con gà ướp tiêu hành/ Ăn xong lăn quay ngay, chết tôi rồi cúm gia cầm" (trang 273).
Cách nói lái tự nhiên như không, để chính con chữ lột xác, sinh nghĩa mới: "Không đi không biết đèo Ngang/ Đi thì mới biết đèo Ngang đang nghèo" (trang 281).
Sự phong phú những bài học mỹ từ trong sách này, không chỉ vì người sau kế thừa người trước, mà còn vì, dân trí nâng cao đã trí thức hóa thành phần bình dân - những tác giả vô danh của văn học dân gian đương đại - giúp họ một vốn tri thức đủ để cấu tứ những tác phẩm bề thế, bắt đầu từ những đơn vị tri thức nho nhỏ, sẵn có từ văn học dân gian trước đó. Bài ca dao trích ở trang 287 sách này, có phải xây bằng "gạch Bát Tràng" để người đẹp xưa qua sân, xuống "rửa chân tay" trong hồ bán nguyêt và gieo xuống một sợi lông mày? Thứ sợi đẹp kia mọc lên một người đẹp trong tòa thơ chất ngất thi vị và kịch tính: "Một lần em đã qua đây/ Đánh rơi một cái lông mày xuống sân/ Thế rồi chó sủa người thân/ Chim xa ngại hót, cá gần quên bơi/ Vợ anh nấu cháo cháy nồi/ Còn anh ra đứng vào ngồi ngẩn ngơ/ Cái lông mày ấy bây giờ/ Thành nhành cây lạ bất ngờ trổ hoa/ Anh về lạy mạ, lạy cha/ Đánh con, đuổi vợ, để mà yêu em".
Theo tác giả Trần Thị Trâm, với văn học dân gian hiện đại thì cần có cách "điền dã" hiện đại. Người sưu tầm không nhất thiết cứ phải băng đồng tới thôn cùng xóm vắng, ghi ghi, chép chép. Ở thể kỷ 21 này, người sưu tầm có thể điền dã bằng 10 ngón tay gõ phím và mở các trang in, tuần san, nguyệt san.
Ví dụ trên tuần san Học trò cười của báo Thiến niên tiền phong ra đề: "Hãy đối thoại trực tuyến bằng "ca dao… phay" về học sinh thời nay, bắt đầu từ câu ca dao đã học: "Bầu ơi thương lấy bí cùng…". Báo nhận được đáp án từ nhóm tác giả ở Cần Đước, tỉnh Long An: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy khác giống biếng, nhưng chung gien lười".
Biếng lười chuyện học thôi, những chuyện khác thì họ cùng nhau chuyên cần hết biết. Ví dụ: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Bún riêu góp đũa, cháo lòng chung tô"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Ngủ chung một lớp, ngáy chung một bàn"; "Bầu ơi thương lấy bì cùng/ Đàn keyboard nối đêm trường online"... Học hành như thế, tới ngày thi phải thương nhau là cái chắc: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy là khác số (báo danh), nhưng chung phường cóp-py". Những học như thế thì: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Nếu chưa đội sổ, cũng từng… lưu ban".
Tags