(Thethaovanhoa.vn) - Sau Brexit, liệu sẽ có Byegium, Departugal, Czechout…? Châu Âu đang đứng trước một tương lai bất định, song có một điều chắc chắn là chủ nghĩa dân tộc sẽ dâng cao.
- Góc nhìn 365: Tan tác vì “Euroxit”
- Góc nhìn 365: EURO và đặc cách
- Góc nhìn 365: Từ EURO đến 'Game of Thrones'
Thực tế, làn sóng ấy vẫn luôn tồn tại chứ không phải đến bây giờ mỗi trỗi dậy. Đấy là lý do Andy Murray dù đại diện cho đoàn thể thao Great Britain dự Olympic London 2012 và giành HCV, nhưng lại công khai bày tỏ sự phấn khích mỗi khi đội tuyển Anh bị loại khỏi World Cup.
Hay một ví dụ khác gần hơn, Gareth Bale đã liên tục công kích đội tuyển Anh trước EURO 2016. Hình ảnh một CĐV xứ Wales khóc nức nở khi đội nhà dẫn trước người anh cả trong trận đấu ở vòng bảng đã cho thấy sân bóng là nơi mà người ta thể hiện tinh thần dân tộc một cách rõ nét hơn cả.
Cũng tại EURO 2016, sự xuất hiện của các nhóm CĐV theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đến từ Nga, Croatia, Hungary… , với những màn thị uy bằng bạo lực, pháo sáng cũng là một biểu hiện của điều đó.
Đương nhiên, các chính trị gia cũng luôn biết cách tận dụng chủ nghĩa dân tộc để ngụy trang cho các mục tiêu xa hơn. Vì vậy, những sự kiện thể thao lớn luôn được coi là dịp đề cao tinh thần ái quốc, nổi bật qua hình ảnh tiếng quốc thiều ngân vang, lá quốc kỳ bay phấp phới, còn các VĐV thì rưng rưng nước mắt, đặt tay lên ngực thề xả thân hết mình vì màu cờ sắc áo.
Nhưng sử dụng con bài dân tộc chủ nghĩa cũng giống như chơi dao. Khi nó bị đẩy lên quá cao đến mức không kiểm soát nổi, thì các chính trị gia cũng trở thành con tin của chủ nghĩa sô-vanh. Việc đội tuyển Nga suýt bị loại khỏi EURO 2016 vì CĐV gây rối chính là một ví dụ điển hình.
Bởi vậy, mới đây thì chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên tiếng cảnh báo một dân tộc không thể sống mãi bằng những ánh hào quang quá khứ. Nắm tay mãi thì cũng sẽ mỏi, và chơi dao mãi thì ắt có ngày đứt tay.
Hoàng Nhật
Thể thao & Văn hóa
Tags