(Thethaovanhoa.vn)- Những cô gái sexy, khỏe khoắn trong các đội nhảy ở NBA (bóng rổ), NFL (bóng đá Mỹ), hay MLS (bóng đá) ở Mỹ hóa ra lại hưởng lương rất bèo bọt.
Diện đồng phục đầy màu sắc, biểu diễn trong bầu không khí sôi động trước hàng triệu khán giả truyền hình, hoạt náo viên là nghề trong mơ đối với nhiều cô gái xinh đẹp.
Lương thấp, đòi hỏi cao
Lauren Herington từ nhỏ đã mơ ước trở thành một hoạt náo viên chuyên nghiệp. Cô học nhảy rất sớm và mong một ngày có vị trí trong đội hoạt náo viên ở Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Đối với Herington, được nhảy ở một giải đấu lớn như vậy sẽ biến cô trở thành “người nổi tiếng”, đi kèm là mức đãi ngộ cao.
Mỗi mùa, NBA bỏ ra tới 70 triệu USD chỉ để trả lương cho các cầu thủ. Giá trị thương hiệu của các CLB thì lên tới hàng tỉ USD. Lương cho hoạt náo viên có vẻ chỉ là “chuyện nhỏ” đối với họ. Nhưng chỉ tới khi đặt bút vào bản hợp đồng với CLB Milwaukee Bucks, Herington mới vỡ lẽ. Đời không như là mơ!
Chỉ sau một mùa giải làm việc cho Milwaukee Bucks, Herington đã viết đơn xin nghỉ. Đến năm ngoái, cô đưa Milwaukee Bucks ra tòa. Luật sư của Herington khẳng định Milwaukee Bucks trả lương cho thân chủ của mình thấp hơn cả mức lương tối thiểu trong mùa giải 2013-14. Cụ thể, Herington được nhận 65 USD cho việc xuất hiện ở các trận đấu, 30 USD cho tập luyện và 50 USD cho các dịp xuất hiện đặc biệt. Tính trung bình, lương mỗi giờ của cô chỉ ở mức 5 USD và xuống còn 3 USD/giờ trong những tuần bận rộn. Mức này thấp hơn lương tối thiểu 7,25 USD/giờ theo luật pháp liên bang.
Đội hoạt náo viên của CLB Milwaukee Bucks
"Chẳng hề có thảo luận nào. Chúng tôi được trao hợp đồng, ký tên vào đó và trao trở lại cho bên tuyển dụng. Chúng tôi không được đưa nó về nhà. Nếu có thắc mắc gì, chúng tôi lập tức bị loại", Herington cho biết.
Lương thấp chưa phải là cơn ác mộng duy nhất của Herington.
Theo thỏa thuận, các vũ công "phải duy trì cường độ tập luyện thể dục cao" để giữ dáng. Nếu không tuân thủ quy định, họ sẽ bị kỷ luật. Tháng 8/2013, hình thể của Herington bị phàn nàn vì phần mỡ thừa ở eo và hông. Ngay lập tức, cô được đưa vào kế hoạch tập luyện "đặc biệt". Những giờ tập luyện căng thẳng khiến Herington "đói, cảm thấy bị mất nước và mờ mắt mỗi khi rời phòng tập". Việc nhịn ăn khiến Herington sau đó bị tiêu chảy nghiêm trọng. Nếu phàn nàn, cô sẽ bị đưa vào danh sách “dự bị” ở các trận đấu. Đồng nghĩa, ngày hôm đó sẽ không được nhận lương.
Ngoài ra, còn có những yêu cầu khác như phải làm móng tay thường xuyên, gắn lông mi giả, làm tóc… Chi phí cho những khoản này hoạt náo viên phải dùng lương của mình chi trả.
Quãng thời gian làm việc cho Milwaukee Bucks, Herington còn chật vật làm thêm ở 2 nơi khác. Chung quy mỗi tháng sau khi trừ các hóa đơn thanh toán, cô chỉ giữ lại được đúng… 20 USD.
Tranh cãi và giải pháp
Câu chuyện như của Herington không chỉ xảy ra ở NBA. Tháng 1/2014, một hoạt náo viên đã kiện Raiders Oakland- CLB đang thi đấu ở giải Bóng bầu dục Mỹ (NFL)- vì lý do tương tự. Vụ kiện trên đã mở đường cho một loạt đơn kiện sau đó, chống lại những “ông lớn” như Bills Buffalo, JETS, Tampa Bay Buccaneers hay Bengals Cincinnati.
Đa số trường hợp đã được giải quyết bằng việc CLB chấp nhận bồi thường một khoản khá hơn cho người khởi kiện. Nhưng không một CLB nào trong số đó thừa nhận họ đã làm sai hay vi phạm quy định của pháp luật.
Milwaukee Bucks biện minh rằng thỏa thuận lao động giữa họ với Herington chỉ là "khoán". Với hình thức này, trách nhiệm của Milwaukee Bucks với Herington chỉ là con số 0 dưới pháp luật.
Lorena Gonzalez, thành viên hội đồng lập pháp bang California, cho rằng việc coi hoạt náo viên như những người làm việc “khoán” hoặc bán thời gian là không đúng. “Hoạt náo viên ký hợp đồng lao động. Rõ ràng họ đại diện cho CLB. Nếu chỉ là người làm việc tự do, họ sẽ đề ra lịch trình của riêng mình. Họ sẽ không phải mặc đồng phục của ai cả", bà nói.
Đã có rất nhiều vụ kiện đòi quyền lợi cho các hoạt náo viên
Hiện tại, các cổ vũ ở NBA và NFL không thể thành lập công đoàn để thương lượng điều kiện làm việc của mình trừ khi họ là nhân viên của một công ty. Trong khi đó, hoạt náo viên thường xuyên thay đổi từ CLB này sang CLB khác.
Để khắc phục tình trạng này, bà Gonzalez đã mở ra một chiến dịch vận động đòi quyền lợi cho các hoạt náo viên. Tháng 7 năm ngoái, bang California đã đưa ra một dự thảo, chỉ dịnh hoạt náo viên chuyên nghiệp là người lao động, họ được nghỉ ốm mà vẫn hưởng lương, nghỉ phép và được bồi thường nếu bên tuyển dụng vi phạm hợp đồng. Ở New York cũng đã giới thiệu dự luật tương tự.
Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu về lương tối thiểu cho hoạt náo viên chỉ là hình thức để đối phó với luật pháp. Với độ giàu có của mình, chỉ cần “cái búng tay” là các CLB ở NFL và NBA có thể giải quyết chuyện lương bổng cho các cô gái trong đội cổ vũ. “Bởi vậy, điều quan trọng là ban tổ chức giải đấu và lãnh đạo các CLB phải có quy định cụ thể về quyền lợi của các vũ công”, bà Gonzalez nói.
Trong khi đó, các trường trung học và đại học Mỹ vẫn tiếp tục quy trình cung cấp hoạt náo viên thông qua các ban cổ vũ thể thao của họ. Các bậc cha mẹ vẫn không tiếc tiền cho những cô con gái học múa, nuôi giấc mơ làm hoạt náo viên NBA.
Trên truyền hình, “Making the Team”- chương trình thực tế nói về giấc mơ trở thành lãnh đạo đội hoạt náo viên Dallas Cowboys của một cô gái, đã bước sang năm thứ 10.
Biểu tượng của nước Mỹ, những hoạt náo viên ở các sự kiện thể thao, vì thế vẫn rực rỡ tỏa sáng trên nền móng đầy rẫy những thực tại bất ngờ…
Thu nhập của Cheerleaders ở NBA Nghề nghiệp Mỗi trận Thu nhập năm Cheerleaders $100-$250 $5,000-$6,500 |
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags