Biển diễn ngoài trời mừng ngày giải phóng đất nước. Ảnh: Jones Griffiths, chụp năm 1985. Nguồn: reds.vn
Ở Hà Nội, các rạp xem phim và kịch được mở lại, thứ Bảy, Chủ nhật khán giả đông nghìn nghịt, thậm chí rất khó có thể mua được vé. Phim chiếu làm nhiều đợt, trung bình hai tiếng một buổi, buổi 5 - 7 giờ tối thường vắng hơn, và đông nhất là hai buổi 7 - 9, 9 - 11 giờ. Các rạp Công Nhân ở phố Tràng Tiền, Tháng 8 ở phố Hàng Bài, Dân Chủ phố Cửa Nam… đều đông khán giả. Nhà hát Lớn thì thường có những vở kịch các đoàn kịch và hát trung ương, nhạc giao hưởng do chỉ huy người nước ngoài, rạp Chuông Vàng thì diễn tuồng và chèo. Tối thứ Bảy, Chủ nhật các gia đình cho trẻ con ra Bờ Hồ ăn kem, dạo mát, và xem phim ở rạp Kim Đồng (Hàng Bài). Quanh Bờ Hồ, để tưởng nhở miền Nam người ta trồng nhiều cây dừa và có những quán nước thanh lịch, nhà Khai Trí Tiến Đức cũ được cải biến thành Câu lạc bộ Thống Nhất, dành riêng cho anh em miền Nam tập kết, hàng tuần đều chiếu phim miễn phí và tổ chức thi đấu cờ tướng treo bảng và bóng bàn rất sôi nổi. Phim chiếu bấy giờ chủ yếu của Việt Nam, như Chị Tư Hậu, Nổi gió, Cù Chính Lan, Đường ra mặt trận, Con chim vành khuyên… kịch thì có Chị Muội, Bắc Sơn, Cửu Trùng đài. Các vở tuồng cũ như Đào Tam Xuân loạn trào, Sơn Hậu, Tống Trân Cúc Hoa, chèo cũ như Quan Âm Thị Kính… được phục dựng rất đông khán giả.
Triển lãm mỹ thuật thì 5 năm mới có một lần, nhưng triển lãm tranh cổ động thì hàng năm, nhất là với chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, tranh về người tốt việc tốt và đả kích tệ nạn cũng được bày thưởng xuyên. Sách báo thì hầu hết là sách trong nước và sách dịch của các nhà văn nổi tiếng. Chất lượng dịch thuật các tác phẩm kinh điển lúc đó cho đến nay vẫn khó vượt qua được, và văn học dịch đã trở thành một đời sống và ngôn ngữ trong văn nghệ bây giờ. Lúc đó đơn thuần chỉ có một số tờ báo như Nhân Dân, Quân Đội và Hà Nội mới, Văn Nghệ… không ai thống kê, nhưng có lẽ chưa đến chục tờ. Họa báo Liên Xô và Trung Quốc bán hàng tháng rất khó mua, vì chỉ có vài chục bản, dường như là hai tờ báo nước ngoài bằng tiếng Việt có ảnh chụp sinh động. Chiều Chủ nhật, trên đài phát thanh hàng tuần đều có chương trình nhạc cổ điển kéo dài với phân tích giới thiệu rất tỉ mỉ. Có lẽ văn hóa đỉnh cao của nhân loại được phổ biến tốt nhất vào thời bao cấp.
Ở nông thôn, từ năm 1955 - 1970, các di tích văn hóa nếu được xếp hạng thì được bảo vệ, còn không bị xâm hại nặng nề, nhất là trong các cuộc bài trừ mê tín dị đoan quá tả. Nhiều ngôi đình được dỡ bỏ trong thời gian này, nhiều ngôi chùa bị bỏ hoang. Phương tiện thông tin duy nhất ở nông thôn là đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nên mốt đàn ông nông thôn ra đường đi xe đạp và đeo đài rất thịnh hành. Mỗi huyện có một hiệu sách quốc doanh, cũng là một trung tâm văn hóa. Hàng tháng các đoàn phim và kịch chèo lưu động về diễn xuất tại sân đình là dịp nông dân được tụ họp không thể bỏ lỡ. Những đoàn phim, kịch này hoặc có ô-tô, hoặc đi bằng xe đạp thồ len lỏi từ đồng bằng đến miền núi không biết mệt mỏi. Họ phải đem theo cả phông màn, nhạc cụ, máy chiếu phim đơn (quay từng cuốn một), máy nổ… lưu chiếu và lưu diễn suốt trong chiến tranh. Ở các làng, người ta có khi phải đi bộ hàng chục cây số để đến bãi chiếu phim. Tranh cổ động được chép tay hoặc in lưới phát về văn hóa xã, và họa sĩ nghiệp dư của làng sẽ kẻ vẽ lại trên bảng thông tin đầu làng.
(Còn nữa)
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags