Xin sếp tăng lương nhưng gặp trường hợp thế này, bạn sẽ làm gì?
Chuyện đi làm, công sở vốn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Chưa kể, những vấn đề xoay quanh thu nhập, tiền lương lại càng khiến dân tình bàn tán sôi nổi. Mới đây, trong một hội nhóm chuyên chia sẻ về các câu chuyện chốn công sở, một bài đăng nói về chủ đề xin sếp tăng lương thu hút sự chú ý của đông đạo hội làm văn phòng.
Theo đó, chủ nhân bài đăng bày tỏ: “Nhỡ miệng xin sếp tăng lương. Giờ sếp nhắn là vị trí này quỹ lương chỉ có vậy. Giờ công ty tạo điều kiện cho mình 2 tuần nghỉ phép để tìm công việc mới. Nếu công việc mới lương cao hơn, mình cứ thoải mái nhảy việc. Giờ làm sao cho đỡ quê đây, mình lười kiếm việc mới lắm”.
Phía dưới phần bình luận, netizen bàn tán rôm rả, chia làm 2 phe rõ rệt. Một bên tỏ ra không đồng tình với cách xin tăng lương nhưng thiếu nghiêm túc của “chủ thớt”. Ngoài ra, nhiều người lại cho rằng “đúng người, đúng thời điểm”, sếp cũng đã muốn cho nghỉ việc thì không có gì phải tiếc.
Xin tăng lương sao lại gọi là “nhỡ miệng”?
Khi đã có kinh nghiệm nhất định tại một vị trí, việc xin tăng lương là chuyện vốn bình thường đối với nhiều công ty. Tuy nhiên, vấn đề này lại được cho là nhạy cảm và nhiều người tỏ ra không biết phải mở lời thế nào với sếp. Do vậy, có nhiều người chọn cách “nửa đùa, nửa thật”. Chẳng hạn thử nói vui vui xem phản ứng của sếp ra sao rồi mới đề cập vào vấn đề chính.
Thế nhưng, cách làm này đôi khi cũng mang lại tác dụng không như mong muốn. Bởi dẫu sao, chuyện thu nhập, lương thưởng vẫn là chuyện cần nghiêm túc, không nên đùa cợt.
- “Xin lương mà bảo nhỡ miệng, chứng tỏ bạn cũng không nghiêm túc với công việc và công sức của bản thân rồi. Làm việc đúng với lương tâm và nhận mức lương không đúng công sức thì việc đề xuất tăng lương là chuyện nghiêm túc, bình thường mà”.
- “Mình nghĩ do bạn chưa tỏ thái độ nghiêm túc. Ngoài ra, bạn cũng chưa đánh giá được đúng tình hình vị trí công việc hiện tại cũng như trong thị trường chung nên giờ chấp nhận thôi”.
- “Nhỡ miệng là sao nhỉ? Muốn tăng lương thì làm đơn báo cáo công việc, xin đàng hoàng chứ nhỉ. Thấy sếp trả lời vậy là quá thoải mái rồi”.
- “Bạn lựa chọn sai thời điểm rồi. Giờ có việc là may còn xin tăng lương. Chưa kể, cách xin của bạn cũng khiến lãnh đạo phật ý”.
- “Mình đi làm 13 năm, chỉ gặp duy nhất 1 trường hợp xin tăng lương được duyệt. Nói chung tùy bối cảnh, tùy trình độ và kinh nghiệm làm việc của mỗi người. Xin tử tế còn chưa ăn ai nữa là nhỡ miệng”.
Sếp đã có ý “đuổi khéo”, nghỉ tìm việc khác thôi!
Trái lại với những ý kiến trên, phần đông netizen nhận xét lãnh đạo công ty là người khá khéo léo trong cách từ chối. Tuy nhiên, khi sếp đã đề xuất cho nhân viên thời gian nghỉ việc để tìm công việc mới, tốt nhất là nên nhảy việc thay vì cố gắng ở lại. Bởi dù sao, mức lương mong muốn cũng không được đáp ứng, tiếp tục ở lại làm việc sẽ gặp những sự không thoải mái và dễ gây ảnh hưởng đến tiến độ chung.
- “Sếp đuổi khéo quá! Nói vậy rồi còn suy nghĩ gì nữa bạn, cố tìm việc mới rồi chuyển thôi”.
- “Thực ra sếp nói cũng không sai nhưng mình thấy có phần hơi mỉa mai. Đã như vậy rồi nếu cảm thấy muốn ở lại làm việc tiếp cũng khó, mối quan hệ sẽ không được như ban đầu”.
- “Nếu muốn làm tiếp bạn có thể đề xuất giảm giờ làm xem sao. Nói chung cứ trao đổi thẳng thắn còn ý kiến cá nhân của mình là nên chuyển việc”.
- “Khi bạn nhân được quyết định nghỉ phép tới 2 tuần một cách nhanh chóng chứng tỏ vai trò của bạn không ảnh hưởng quá nhiều công việc của công ty, lúc này thì nên xem lại bạn rồi”.
- “Mình nghĩ khi bạn xin tăng lương, bạn cũng đã phải chuẩn bị những kế hoạch sau đó. Hoặc chí ít là tham khảo mức lương ở cùng vị trí tại các công ty khác. Nếu cảm thấy không hợp lý, mình nghĩ nghỉ việc là hợp lý. Còn nếu bạn lười, thì không ai giúp được cả”.
Còn bạn, bạn sẽ ứng xử thế nào nếu gặp tình huống này?
Tags